TP Hồ Chí Minh hiện có các không gian văn hóa công cộng được nhiều người biết đến như: Thảo cầm viên, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám, Công viên 23-9, bến Bạch Đằng; hồ Con Rùa, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành, phố Bùi Viện, đường sách TP Hồ Chí Minh... Theo ghi nhận của phóng viên, những không gian văn hóa công cộng trên thường xuyên thu hút đông đảo người dân và khách du lịch, đáp ứng phần nào nhu cầu giao tiếp, nghỉ ngơi, giải trí cũng như giao lưu văn hóa của dân cư đô thị. Ông Lê Bá Phát, ngụ tại quận 1, cho biết: "Tôi cùng bạn bè thường xuyên đi bộ tại bến Bạch Đằng, cũng giống như các không gian văn hóa công cộng khác, nơi đây đã giúp tăng cường sự gắn kết giữa người dân và tạo ra nét đặc trưng của Thành phố mang tên Bác".

leftcenterrightdel
Khu vực hồ Con Rùa được quy hoạch làm tuyến phố đi bộ.

Tuy nhiên, phần lớn các không gian văn hóa công cộng này đều tập trung ở các quận trung tâm; các quận, huyện ngoại thành, đặc biệt vùng ven không có hoặc có rất ít. Tại buổi tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TP Hồ Chí Minh: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp” tổ chức đầu tháng 12-2020, nhiều chuyên gia đã nhìn nhận, không gian văn hóa công cộng tại TP Hồ Chí Minh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều công trình thiết kế còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa hội tụ được sức sống đối với cộng đồng dân cư đa dạng. Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, do tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, những không gian văn hóa công cộng hiện hữu phần lớn trở nên chật hẹp, mật độ che phủ cây xanh giảm đáng kể, không đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của cư dân thành phố.

Bên cạnh sự sôi động của các hoạt động kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang kiến tạo thêm các không gian văn hóa công cộng mang bản sắc riêng để xứng đáng là thành phố hiện đại, văn minh, sáng tạo. Để thực hiện điều này, thành phố cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của nhân dân. Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thành phố đã có dự án sẽ xây dựng một quảng trường lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), dự kiến đặt tên là Quảng trường Hồ Chí Minh. Ngoài phục vụ các sự kiện chính trị, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn. Thành phố cũng sẽ xây dựng cầu dành cho người đi bộ nối Quảng trường Hồ Chí Minh với khu vực tượng Trần Hưng Đạo (quận 1); tiếp tục nối dài hai phố đi bộ tại quận 1. Bên cạnh đó, UBND quận 3 đã thống nhất chủ trương xây dựng hai tuyến phố đi bộ là phố đi bộ khu vực hồ Con Rùa và đường Nguyễn Thượng Hiền.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch hệ thống không gian văn hóa công cộng chuẩn, đẹp, hiện đại, tạo được bản sắc riêng, xem đó là tài sản văn hóa và hệ sinh thái văn hóa bền vững của thành phố. Nhưng quy hoạch vĩ mô không đơn giản khi quỹ đất khan hiếm, công tác giải tỏa, đền bù đòi hỏi chi phí rất lớn. Vì vậy, bên cạnh quy hoạch chuẩn cho các thành phố mới, thành phố vệ tinh, phải nhanh chóng cải tạo cái cũ, cái sẵn có. Ông Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) cho hay, các đô thị trên thế giới đang có xu hướng sử dụng các công trình cũ mang dấu ấn lịch sử. Đối với TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng công trình cũ cho một công năng mới sẽ bảo tồn được các công trình có giá trị di sản để lưu giữ ký ức đô thị; truyền tải những thông điệp mang tính lịch sử, phục vụ công tác giáo dục thông qua việc bảo tồn và chuyển đổi chức năng của một số công trình cũ mang dấu ấn lịch sử.

Bài và ảnh: XUÂN DUY