Xuất phát từ niềm đam mê hội họa và ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, ngay từ khi còn học lớp 6, Nhật Thịnh đã làm quen với thư pháp Việt. Sau hơn 14 năm theo đuổi đam mê, anh đúc kết: “Một tác phẩm thư pháp không chỉ thể hiện nét đẹp chữ nghĩa mà đó còn là sứ giả văn hóa, truyền tải lời hay ý đẹp. Người cho chữ luôn rèn cho mình cái tâm sáng và đặt hết cái tâm của mình trong từng nét chữ. Thư pháp còn giúp mình tĩnh tâm, kiên nhẫn và yêu thương cuộc sống nhiều hơn”.

leftcenterrightdel
“Ông đồ 4.0” Đỗ Nhật Thịnh.

Nhật Thịnh được nhiều người gọi là “Ông đồ 4.0” vì anh đã mày mò, cải tiến cách thể hiện gắn với công nghệ hiện đại để thư pháp gần với người trẻ hơn. Với chuyên ngành thiết kế đồ họa, Thịnh có cơ hội được tiếp cận với các loại hình công nghệ và tạo được sự kết hợp biểu diễn thư pháp trên những ấn phẩm thiết kế, đặc biệt là biểu diễn thư pháp trên màn hình Led. Anh cho rằng, việc lưu trữ thư pháp trên các phương tiện công nghệ thông minh sẽ giúp thư pháp có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Trên cương vị Chủ tịch Hội sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Nhật Thịnh đã đem nghệ thuật thư pháp đồng hành với những mùa hè tình nguyện. Một trong những chương trình để lại dấu ấn sâu sắc là hành trình chiến dịch tình nguyện xuyên Việt vận động hiến máu, tặng chữ thư pháp ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Với những thành tích, đóng góp xuất sắc trong hoạt động tình nguyện, Nhật Thịnh đã đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" khối Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện anh đang cộng tác với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với vai trò là một họa sĩ thiết kế. Môi trường ấy là cơ hội để anh thực hiện trọn vẹn niềm đam mê, đưa nghệ thuật thư pháp trở thành sứ giả văn hóa, bồi đắp lối sống đẹp cho giới trẻ.

Bài và ảnh: THÚY NHI