Anh Phương không có đôi bàn tay nên không làm được chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để mua vé và qua cửa an ninh sân bay. Anh cũng không đủ tiền mua vé về quê Hải Dương trong khi vừa nhận được tin bố mình bị tai biến phải nhập viện cấp cứu... Những giọt nước mắt và lời cảm ơn của anh-hành khách cuối cùng bước lên máy bay ngay trước giờ cất cánh, làm ấm lòng bao người với thông điệp lan tỏa yêu thương...

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Ban CHQS quận 8 phát suất ăn miễn phí tặng người nghèo trên địa bàn. 

Đó chỉ là một trong vô vàn việc làm tốt đẹp ở TP Hồ Chí Minh với tinh thần “cho để nhận”, “người với người sống để yêu thương”. Đúng như nhận định của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: “Càng những lúc khó khăn, nghĩa tình của người TP Hồ Chí Minh lại càng tỏa sáng, giúp nhau vượt qua mọi cơn bĩ cực”. Điển hình như trước tình hình dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành toàn thành phố và mọi tổ chức, cá nhân đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau vượt khó; chung tay san sẻ, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, công nhân lao động... bằng những việc làm sáng tạo, thiết thực như: “ATM” gạo miễn phí, “ATM” khẩu trang miễn phí, phiên chợ nhân đạo, siêu thị 0 đồng, bách hóa miễn phí; tặng quà, tặng suất ăn từ thiện... Các đoàn, hội, mặt trận Tổ quốc đứng ra vận động quyên góp vì người nghèo, hỗ trợ việc làm cho thanh niên, công nhân...

Mới đây, Thành đoàn và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình “Hỗ trợ việc làm lưu động trong mùa dịch Covid-19”; ký kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp và trao tặng học bổng cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng thời điểm, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố phối hợp với công đoàn các doanh nghiệp trích kinh phí, vận động tài trợ cho công nhân lao động bị mất việc làm do dịch bệnh; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho công nhân bị tạm ngừng việc làm từ tháng 4 đến 6-2021...

Trong những hoạt động nghĩa tình đó, LLVT thành phố tích cực tham gia, phối hợp vận động quyên góp thực hiện mô hình “suất ăn miễn phí”, “quà tặng yêu thương”... chăm lo cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tình nguyện “cắm chốt” ở những điểm nóng ngăn chặn dịch, sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì cộng đồng; cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự thành phố và Trường Quân sự Quân khu 7 nhường doanh trại phục vụ người cách ly y tế... Ông Vũ Hải Nam, 77 tuổi, ngụ tại phường Võ Thị Sáu (quận 3), bộc bạch: “Nghĩa tình là nét đặc trưng của người Sài Gòn. Nó ăn sâu trong máu thịt và ngày càng được vun đắp, trở thành nét đẹp văn hóa đáng tự hào của bao thế hệ người dân TP Hồ Chí Minh trước đây, hôm nay và mai sau”.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - VĂN LỢI