Đây là ngôi nhà được các cơ sở cách mạng của người Hoa, thuộc Ban Tuyên huấn Hoa vận, Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, đào hầm bí mật để in ấn và phát hành Báo Công Nhân, dưới vỏ bọc là xưởng may của một gia đình. Hoạt động từ những năm đầu thập niên 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Hầm in báo bí mật và công tác phát hành báo chí ngay trong lòng địch đã góp phần to lớn tuyên truyền, cổ vũ khí thế đấu tranh của nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Ngôi nhà số 341/10 Gia Phú đã trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, phục vụ hoạt động du lịch và tiếp lửa nghề cho báo giới.
Trụ sở Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng là một địa chỉ đỏ gắn liền với những chiến công oanh liệt của lực lượng Biệt động Sài Gòn và quân giải phóng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, lực lượng Biệt động Sài Gòn và quân giải phóng đã chọn Đài Phát thanh Sài Gòn là một trong những mục tiêu tấn công trọng yếu, nhanh chóng làm chủ. Trước khuôn viên Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh hiện nay có công trình tượng đài tưởng niệm, tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc tấn công đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) cũng là nơi diễn ra chương trình phát thanh đặc biệt đầu tiên của chính quyền giải phóng vào trưa 30-4-1975…
Còn khá nhiều di tích, công trình kiến trúc và hiện vật lịch sử, văn hóa đang được lưu giữ, trưng bày trong các bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh liên quan đến nghề báo. Có thể nói, đây là một trong những giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của TP Hồ Chí Minh, nơi quy tụ số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo lớn hàng đầu cả nước. Vào dịp 21-6 hằng năm, đông đảo cán bộ, nhà báo, phóng viên lại tìm đến các di tích để dâng hương, tham quan, như là cách để để học tập, noi gương thế hệ ông cha. Đây cũng là điểm đến trong các bài học thực hành, trải nghiệm của sinh viên ngành báo chí-truyền thông ở một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Những công trình, di tích, hiện vật có giá trị vô cùng to lớn ấy chính là môi trường, chất liệu để các thế hệ những người làm báo trên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu soi rọi, học tập, tiếp thêm lửa nghề, đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
NGUYỄN THẾ TRUNG