Các giáo viên đứng lớp đều là những người đã có nhiều năm gắn bó với các loại hình nghệ thuật dân tộc mang đậm bản sắc Nam Bộ. Ngoài 3 lớp đờn, ca, cảm thụ cải lương, nơi đây còn dạy thêm nhiều bộ môn độc đáo về nghệ thuật dân tộc như diễn xướng, hát bội, hò lý…

Chiều thứ 7 hằng tuần, các học viên của lớp “Lục tỉnh cầm ca” lại tụ họp về ngôi nhà số 76 đường Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh để cùng nhau học các làn điệu đờn ca tài tử. Lớp học khá đa dạng về trình độ, lứa tuổi nhưng chủ yếu là các bạn trẻ; họ đến và học tập với một tinh thần đầy hăng say, nhiệt huyết. Bên cạnh hai giáo viên dạy hát và đờn là nghệ sĩ Kiều Hạnh và nghệ sĩ Sáu Hưng, lớp học còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ gạo cội trong Ban nhạc Đờn ca tài tử Sáu Hưng.

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ và học viên tại lớp “Lục tỉnh cầm ca”.

Nghệ sĩ Sáu Hưng tâm sự: "Thế hệ nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".

Nghệ sĩ Sáu Hưng gắn bó với đờn ca tài tử, cải lương từ nhỏ. Năm 18 tuổi, ông học thêm nghệ thuật đờn. Đó cũng chính là thời điểm ông quyết định gắn kết cuộc đời mình với con đường nghệ thuật trong suốt hơn 40 năm qua. Ông luôn căn dặn các học trò, làm nghệ thuật, ngoài năng khiếu bẩm sinh thì cần phải chăm chỉ luyện tập. Cũng như nghệ sĩ Sáu Hưng, hơn 40 năm theo nghiệp ca hát, nghệ sĩ Kiều Hạnh luôn sống bằng cái tâm của một người làm nghệ thuật. Đến nay, dù cuộc sống an nhàn, không còn tất bật như trước nhưng bà vẫn sống và cống hiến bằng niềm đam mê cháy bỏng. Bà khuyên các bạn trẻ, nếu có đam mê thì hãy dấn thân, bởi học nghệ thuật truyền thống cũng chính là học cách làm người tử tế.

Bài và ảnh: KIM SÁNG