QĐND - Tháng 3-1930, Ban lâm thời Chấp ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Nam Kỳ) do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Sài Gòn và các tỉnh, chỉ định Ban lâm thời Chấp ủy thành phố Sài Gòn (Thành ủy Sài Gòn) gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Lợi (Hữu Dũng) làm Bí thư. Kể từ đây, cùng với các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn đã có Đảng bộ và cấp ủy Đảng do Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) thống nhất lãnh đạo. Sau khi thống nhất, Đảng bộ thành phố Sài Gòn có khoảng 20 chi bộ với khoảng 130 đảng viên.

Tháng 6-1930, đồng chí Trần Não được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn thay đồng chí Nguyễn Văn Lợi. Sau một thời gian hoạt động, trước sự đàn áp của thực dân Pháp, Thành ủy Sài Gòn quyết định giải tán. Tháng 2-1931, Xứ ủy Nam Kỳ đóng tại Sài Gòn kiêm luôn cả nhiệm vụ của Thành ủy Sài Gòn.

Tháng 4-1932, Thành ủy Sài Gòn được tái lập, do đồng chí Tạ Đức Đường làm Bí thư. Nhưng đến tháng 10-1932, các đồng chí trong Thành ủy đều bị địch bắt.

Tháng 2-1934, Thành ủy Sài Gòn tiếp tục được tái lập, do đồng chí Trần Văn Vi (Dân Tôn Tử) làm Bí thư…

Mặc dù nhiều lần phải giải tán và tái lập nhưng Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn vẫn tập trung lãnh đạo các phong trào, cao trào đấu tranh của công nhân, đồng thời coi trọng công tác vận động thanh niên, học sinh, trí thức tiến bộ; tuyên truyền các tầng lớp nhân dân ủng hộ cách mạng, chống lại thực dân, áp bức, giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đặc biệt là cao trào cách mạng 1936-1939, chuẩn bị tiến tới Khởi nghĩa Nam Kỳ.

YẾN LONG (sưu tầm, tổng hợp)