Trong căn phòng khá rộng trên gác hai, giữa bộn bề sách và tài liệu là hàng nghìn tấm bản đồ, công trình khoa học của NNC Nguyễn Đình Đầu được xếp thành từng chồng ngăn nắp. Nhiều tấm bản đồ được treo trên tường, đặt trên bàn hoặc trưng bày trong tủ kính… Điều này cho thấy công sức, tình cảm và bao tâm huyết của nhà trí thức Nguyễn Đình Đầu đối với chủ quyền quốc gia. Mới đây, ông ra mắt cuốn sách “Tạp ghi Việt sử địa” tập 3, trong đó có nhiều nội dung về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Tập sách đề cập những tư liệu từ giáo hội Công giáo liên quan đến lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Để có được hàng nghìn tấm bản đồ cổ quý giá, ông đã dành gần 70 năm sưu tầm, tìm kiếm nhằm “giải mã” hình hài Tổ quốc, chứng minh cương thổ, chủ quyền quốc gia. NNC Nguyễn Đình Đầu bộc bạch: “Ngày còn trẻ, tôi lân la đi khắp các hiệu sách cũ của Sài Gòn, rồi các khu chợ trời để tìm kiếm, gom góp từng tấm bản đồ cổ. Mỗi khi tìm được một tấm bản đồ có giá trị tôi lại quên hết mệt nhọc, đói khát bởi không có những họa đồ tin cậy ấy thì bao bí ấn về địa dư, cương thổ, định vị chủ quyền sẽ vẫn là một ẩn số. Điều đó cứ thôi thúc tôi miệt mài tìm kiếm lời giải đáp”.
    |
 |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu bản đồ cổ Việt Nam. |
Dưới thời Pháp thuộc, tìm mua những tấm bản đồ Việt Nam cổ mặc dù khá đắt nhưng còn dễ; càng ngày càng hiếm và khó, ông phải tận dụng mọi khả năng, mọi mối quan hệ, nhờ bạn bè trong và ngoài nước tìm kiếm giúp. Với đồng lương ít ỏi, để mua được những tấm bản đồ quý và đắt tiền ấy, NNC Nguyễn Đình Đầu đã phải bớt ăn, bớt tiêu. Rồi những lần có dịp ra nước ngoài, bao giờ ông cũng tranh thủ vào các thư viện lớn để tìm kiếm bản đồ liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Bởi thế, “kho” tư liệu của ông ngày một nhiều hơn, đồ sộ hơn…
Vài năm gần đây, căn bệnh gai đôi cột sống, thoái hóa xương khớp làm ông suy kiệt, nhưng ông không chịu nghỉ ngơi, cố ngồi tựa thật chắc vào ghế để ghi chép, biên soạn, cho ra đời những cuốn sách, những luận giải sâu sắc về chủ quyền biên giới quốc gia. Chính “kho” tư liệu quý giá của ông đã giúp ích cho Bộ Ngoại giao có thêm chứng cứ tin cậy để kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. NNC lão thành bày tỏ: “Tổ tiên ta đã đổ bao máu xương, công sức để giữ gìn, mở mang cương thổ. Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo toàn từng tấc đất, từng hòn đảo để lưu lại cho thế hệ mai sau”.
Bài và ảnh: YẾN LONG