Dồn lực chống dịch 

Cửa khẩu cảng biển là khu vực dễ xâm nhập, lây nhiễm dịch Covid-19 ra cộng đồng vì lượng tàu thuyền, thủy thủ người nước ngoài đến thành phố qua khu vực này với lưu lượng rất lớn. TP Hồ Chí Minh có tuyến biên giới biển gồm 4 xã, thị trấn thuộc huyện Cần Giờ. Tuyến cửa khẩu cảng có hơn 50 cảng, 103 cầu cảng, 97 cặp phao neo đậu tàu thuyền, hàng trăm công ty cung ứng, dịch vụ, đại lý hàng hải với hơn 5.000 công nhân làm việc thường xuyên. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp PCD, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua các cửa khẩu cảng biển. BĐBP TP Hồ Chí Minh đã huy động, tập trung lực lượng lớn, thiết lập thêm hàng chục chốt tạo thành "phòng tuyến" vững chắc cho công tác PCD trên hướng này.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Để quản lý tốt người lên tàu làm việc, UBND thành phố đã giao cho BĐBP thành phố ban hành Quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát thuyền viên, hành khách, tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, phương tiện thủy nội địa đến, đi và hoạt động tại cửa khẩu cảng biển của thành phố trong công tác PCD Covid-19”. 

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh tuần tra, kiểm soát trên sông vùng cửa biển. 

Theo đó, Bộ chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh đã quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên về PCD, khi làm nhiệm vụ phải có đầy đủ các trang, thiết bị PCD. Biên phòng cửa khẩu cảng rà soát, nắm và quản lý chặt chẽ thông tin, đăng ký đối với phương tiện cập mạn. Cụ thể, trước khi giải quyết cho người lên, xuống tàu, BĐBP đều tiến hành kiểm tra giấy tờ tùy thân, đối chiếu với danh sách đăng ký. Đối với công nhân đăng ký theo tổ, giao cho tổ trưởng hoặc trực ban tổ có trách nhiệm quản lý công nhân trên tàu, tuyệt đối không cho tiếp xúc với thủy thủ trên tàu. Những phương tiện cập mạn thì đăng ký với trạm kiểm soát biên phòng và chịu sự kiểm tra, giám sát biên phòng. Khi làm việc trên tàu, tất cả các thành phần trên đều phải thực hiện nghiêm quy định về PCD.

Giám sát chặt chẽ tàu thuyền nước ngoài

Trong 6 tháng đầu năm 2021, biên phòng cửa khẩu cảng ở TP Hồ Chí Minh đã làm thủ tục cho 5.490 lượt tàu với 94.976 thuyền viên, số lượng hàng hóa 46.132.189 tấn. Trên các trạm nổi thuộc tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu... cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Hồ Chí Minh căng mình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các phương tiện tàu, thuyền để thực hiện có hiệu quả công tác PCD Covid-19. 

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó chỉ huy trưởng, Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 BĐBP TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, đặc biệt là đối với các nguồn lây từ thủy thủ trên tàu thuyền nước ngoài đến thành phố, các đơn vị đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tàu thuyền nước ngoài phải thực hiện nghiêm quy định về PCD. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm các quy định về quản lý phương tiện, thuyền viên nước ngoài trong điều kiện PCD”. Bên cạnh việc tổ chức lực lượng giám sát biên phòng theo cụm, khu vực mục tiêu 24/24 giờ, BĐBP thành phố còn thành lập 29 chốt (24 chốt trên tuyến cảng và 5 chốt trên tuyến biển) thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát các khu vực có tàu thuyền nước ngoài neo đậu để kịp thời ngăn chặn các hành vi cố tình tiếp xúc với thủy thủ tàu nước ngoài không đúng quy định.

Khi những tia nắng cuối chiều sắp tắt, chiếc bo bo của Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ đưa chúng tôi từ quận 7 sang Trạm kiểm soát số 2 thuộc ấp Rạch 7, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây, BĐBP và các thủy thủ thường gọi là "ngã ba Đèn đỏ" (ngã ba sông Sài Gòn-Đồng Nai-Nhà Bè). Thiếu tá Đỗ Văn Chính, phụ trách Trạm kiểm soát số 2 cho biết: "Chốt kiểm soát nổi trên sông án ngữ tại ngã ba sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè. Chốt thường xuyên có 10 có cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát biên phòng đối với người lên, xuống tàu, bảo đảm công tác PCD. Cán bộ, chiến sĩ canh trực 24/24 giờ, dùng ống nhòm quan sát, khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi thì sử dụng ca nô đi kiểm tra, ngăn không cho thuyền viên nhập cảnh lên bờ hoặc tiếp xúc với công nhân bốc xếp. Tất cả các tàu khi có giấy chứng nhận của kiểm dịch quốc tế an toàn thì mới cho giao nhận hàng. Trước khi công nhân lên, xuống tàu, BĐBP đều tiến hành kiểm tra giấy tờ tùy thân, đối chiếu với danh sách đăng ký, kiểm danh, kiểm diện và phải thực hiện nghiêm các quy định PCD Covid-19". 

Bài và ảnh: HUY VÕ