Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, tập trung triệt phá, chủ động tấn công các loại tội phạm, phát huy mạng lưới “tai, mắt” trong nhân dân.

Từ cuối tháng 12-2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập các trang mạng xã hội, ứng dụng Zalo, Facebook để phổ biến pháp luật, hướng dẫn người dân cảnh giác với các loại tội phạm, tiếp nhận thông tin tội phạm từ nhân dân... Người dân có thể truy cập vào các mạng xã hội bằng mã QR: Sử dụng tính năng quét mã QR của ứng dụng Zalo hoặc sử dụng camera trên điện thoại thông minh.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Hiện nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội thuộc các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện và 52 trang, hội nhóm của công an cấp phường, xã. Tính đến nay, thông qua các kênh này, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 3.000 tin báo của người dân liên quan đến an ninh trật tự. Nhiều trang mạng xã hội của Công an TP Hồ Chí Minh đã thu hút rất lớn lượng theo dõi, tương tác. Các ứng dụng mạng xã hội đã thu hút được hơn 4,3 triệu lượt xem, gần 162.000 lượt theo dõi và gần 285.000 lượt tương tác, giúp người dân nắm và có sự phối hợp tốt với cơ quan chức năng, đồng thời tiếp nhận các thông tin về hoạt động tội phạm do người dân cung cấp. Toàn bộ thông tin do người dân cung cấp sẽ được PA05 tiến hành xác minh, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, nắm rõ đặc tính của các loại tội phạm, ngay từ đầu năm, Công an TP Hồ Chí Minh đã dự báo, xây dựng kế hoạch đấu tranh, xác lập các chuyên đề, đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, đưa ra giải pháp, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tội phạm.

Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh về công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm gắn với phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội; xây dựng kế hoạch chuyên đề, các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; đẩy mạnh tham mưu, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu, khai thác tối đa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xuất, nhập cảnh để đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý cư trú...; tăng cường củng cố, kiện toàn lực lượng công an cơ sở với phương châm xây dựng xã/phường, thị trấn là các pháo đài phòng, chống tội phạm; xây dựng các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả hệ thống camera giám sát, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc tuyên truyền, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm 16,03% so với cùng kỳ năm 2021. Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra, khám phá 75,85% vụ phạm tội về trật tự xã hội; điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; triệt phá 594 vụ/2.003 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; khởi tố 518 vụ/683 bị can; xử lý hành chính 66 vụ/1.295 đối tượng. 

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: "Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn đòi hỏi tính chủ động cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an các cấp và nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong 6 tháng cuối năm, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường rà soát, đấu tranh, xử lý các băng nhóm tội phạm có tổ chức; ngăn chặn, không để phát sinh các vụ việc, vụ án gây dư luận xã hội, giữ bình yên, ổn định, tạo môi trường cho thành phố phục hồi, phát triển bền vững".

MINH OANH