leftcenterrightdel
Phần thi trắc nghiệm của các đội thuộc Cụm thi đua 4.

Tham dự đêm Hội thi cán bộ “Dân vận khéo” của Cụm thi đua IV tại huyện Cần Giờ, chúng tôi ghi nhận không khí hội thi diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Sức hấp dẫn của hội thi không chỉ ở phần thi năng khiếu với nhiều hình thức thể hiện phong phú, từ tiểu phẩm, hát, múa, ngâm thơ… đến kể chuyện, diễn thuyết, hùng biện, mà còn đầy kịch tính ở phần thi xử lý tình huống. Trả lời câu hỏi về cách thức vận động nhân dân không tụ tập đông người, gây rối trật tự, thí sinh dự thi của huyện Cần Giờ đã bám sát nguyên tắc công tác dân vận của Đảng kết hợp kinh nghiệm thực tiễn và khả năng thuyết phục đám đông để làm rõ phương pháp vận động “đánh” vào nhân tâm, tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng và hậu quả pháp lý ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình, làng xóm của người tham gia gây rối trật tự… Câu trả lời được đánh giá phù hợp với tình huống và đã được thực tiễn kiểm chứng ở một số địa bàn trong thời gian qua. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Phong, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các tình huống được xử lý khá thỏa đáng, thể hiện khả năng hiểu biết, sâu sát cơ sở, nắm bắt và giải quyết được những vấn đề nổi cộm, có nguy cơ tiềm ẩn trong khu dân cư. Phương pháp trình bày của thí sinh tự nhiên, gần gũi, thuyết phục, tạo được niềm tin đối với người nghe. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết của cán bộ dân vận ở cơ sở.

Cùng với nội dung tình huống, các phần thi kiến thức, như: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo cho nhân dân; bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật năm 1949; Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và những chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về công tác dân vận… cũng được các thí sinh thể hiện khá tốt.

Với mục đích đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện để đội ngũ này tích lũy kiến thức, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hội thi được tổ chức chặt chẽ, phân cấp, khuyến khích sáng tạo, đổi mới, sát thực tiễn vận động quần chúng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, chia sẻ: "Chúng tôi hướng dẫn các cụm xác định nội dung thi vừa có chiều sâu, bao quát, cập nhật, vừa cụ thể, chi tiết theo đúng chức trách, nhiệm vụ; trong đó nhấn mạnh yếu tố thực tiễn liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; vận động các hộ kinh doanh không lấn chiếm lề đường, vỉa hè, tham gia đóng góp kinh phí làm đường; không tụ tập đông người và biện pháp xử lý các trường hợp gây rối tại địa phương… Các nội dung, chủ đề, tình huống đều được thí sinh sáng tạo, khéo léo xử lý. Nhiều thí sinh còn đầu tư xây dựng tiểu phẩm để tăng cường hiệu ứng tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, gương điển hình “Dân vận khéo” tại đơn vị mình giúp cho hội thi thêm sinh động, trực quan, thu hút sự theo dõi xuyên suốt của khán giả".

Nét mới trong hội thi năm nay là mở rộng quy mô tổ chức hội thi đến các đảng ủy cấp trên cơ sở, quận ủy, huyện ủy và có sự tham gia của các đại biểu tôn giáo, đồng bào dân tộc. Điều này cho thấy, công tác dân vận ngày càng được coi trọng, có vai trò lớn trong sự ổn định, đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng.

Hội thi cán bộ “Dân vận khéo” đã khép lại. Song vấn đề quan trọng là đội ngũ cán bộ dân vận toàn thành phố cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Đổi mới phải gắn liền với thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, giữ đúng định hướng chính trị và phù hợp với khả năng nhận thức của người dân ở từng địa phương. Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung nhấn mạnh: “Cốt lõi là vận dụng kết quả hội thi vào thực tiễn công tác ở cơ sở để làm chuyển biến nhận thức, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng. Do vậy, mỗi cán bộ tham gia hội thi cần chủ động chuyển hóa kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình thành hành động cụ thể, gắn hội thi với thực tiễn, chia sẻ với đồng nghiệp nhằm đóng góp hiệu quả hơn vào công tác dân vận của địa phương, đơn vị mình và cả thành phố trong thời gian tới”.

Bài và ảnh: YẾN LONG - HUY PHÚ