Trong giai đoạn 2 phòng, chống dịch Covid-19, Nam được giao nhiệm vụ phụ trách 20 học viên của Tiểu đoàn 4 tham gia phục vụ công dân cách ly y tế. Lần đầu tiên làm nhiệm vụ khó khăn, hoàn toàn mới mẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Nam cũng có chút băn khoăn, lo lắng. Nhưng được sự động viên của chỉ huy đơn vị và các bác sĩ, nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh, nhất là sau đợt tập huấn kỹ lưỡng những công việc cần làm và biện pháp bảo đảm an toàn, Nam tự tin bắt tay vào công việc, đôn đốc đồng đội thực hiện nhiệm vụ với tinh thần hết lòng vì nhân dân. Nguyễn Hoài Nam kể: “Có ngày chúng tôi làm việc 17 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 3 giờ sáng tiếp nhận công dân đến 22 giờ mới kết thúc, trở về phòng nghỉ ngơi. Vất vả, tận tụy phục vụ chu đáo, nhưng thời gian đầu một số người bị cách ly vẫn khó chịu, nói những lời khó nghe, hạch sách chúng tôi đủ điều. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi luôn nhắc nhở đồng đội: Những người phải đi cách ly cũng rất gò bó nên ai quát mắng gì mình cũng chỉ cười, nếu được thì pha trò để họ cười theo; không được phản ứng làm ảnh hưởng tới hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, chỉ ít ngày sau, khu cách ly trở nên vui nhộn, thân tình, chan chứa yêu thương”.

leftcenterrightdel
 Sau giờ làm việc, Nguyễn Hoài Nam tranh thủ ôn thi.

Trong khu cách ly của Trường Quân sự Quân khu 7 có nhiều người là công dân TP Hồ Chí Minh. Trong đó, anh Nguyễn Tăng Quang là kiến trúc sư, quê ở quận Phú Nhuận, tỏ ra thông cảm, chia sẻ với công việc của những chiến sĩ phục vụ. Anh đã động viên cả nhóm bằng một bộ ký họa, tranh vẽ ghi lại toàn bộ hoạt động diễn ra hằng ngày của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng phục vụ và sinh hoạt của người bị cách ly. Bộ tranh được anh tặng Nam và các chiến sĩ của nhà trường thay lời cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ.

Cũng tại khu cách ly, có 50 người nước ngoài; thói quen sinh hoạt, ăn uống, giao tiếp của họ có nhiều đặc điểm riêng nên không dễ chiều. Vốn giỏi tiếng Anh, Nam tiếp cận trò chuyện, nắm tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những quy định về an toàn dịch bệnh và hỗ trợ các công dân nước ngoài khi cần thiết. Với những người lớn tuổi, không quen ăn món Việt Nam, một số người còn ăn chay, Nam sẵn sàng đi mua thức ăn hợp khẩu vị để họ ăn ngon miệng. Anh tự nguyện làm phiên dịch cho công dân nước ngoài, hướng dẫn họ tìm hiểu phong tục, tập quán Việt Nam. Hằng ngày, anh dậy rất sớm cùng đồng đội quét dọn vệ sinh các tầng, mang thức ăn đến tận phòng phát cho người dân, động viên từng người ân cần, chu đáo. Sự tận tụy của Nguyễn Hoài Nam và đồng đội đã lan tỏa tình yêu thương đến toàn thể công dân trong khu cách ly. Nhóm sinh viên trở về từ Tây Ban Nha và nhiều người nước ngoài đã tự nguyện tham gia dọn vệ sinh giúp các anh vào mỗi buổi sáng; bắc loa tay nói lời cảm ơn những chàng lính trẻ và xúc động rưng rưng khi được các anh chăm sóc. Nhiều nhóm du học sinh trước khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày đã viết thư, tặng quà tri ân nhóm phục vụ của Nguyễn Hoài Nam. Ông Peter Rimmer, Giám đốc Điều hành Hiệp hội các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, chia sẻ: "Tôi được bố trí cách ly tại khu A Trường Quân sự Quân khu 7. Mỗi ngày chúng tôi được các quân nhân phục vụ tận phòng 3 bữa sáng, trưa, tối; được tư vấn sức khỏe thường xuyên. Khu cách ly luôn sạch sẽ, gọn gàng, hằng ngày đều có các quân nhân dọn dẹp vệ sinh. Bạn Nam, trưởng nhóm phục vụ rất giỏi tiếng Anh, giúp chúng tôi truyền đạt tâm tư, nguyện vọng với bộ phận quản lý và trò chuyện với chúng tôi sau giờ làm việc. Chính sự ân cần, tận tụy, vui vẻ của các bác sĩ và nhóm của Nam đã giúp chúng tôi xóa đi nỗi lo lắng và thực sự yên tâm, thoải mái hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc…".

Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và những đóng góp tích cực của mình tại khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 7, Nguyễn Hoài Nam được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khen ngợi, được nhà trường đề nghị Bộ Quốc phòng khen thưởng đột xuất vì thành tích phục vụ nhân dân.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG