Trong giai đoạn đầu, bệnh viện đưa vào hoạt động 100 giường bệnh, trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu và có thể nâng tổng số lên 200 giường vào giai đoạn 2.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, trong thời gian một tuần, bệnh viện nhanh chóng làm công tác chuẩn bị để chuyển đổi công năng, tập trung mọi nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 sớm nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc, điều trị, trong bối cảnh số ca mắc tăng cao. Bệnh viện đã tập trung huấn luyện, đào tạo quy trình, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 cho nhân viên và huấn luyện quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, mang mặc bảo hộ chu đáo để bảo đảm an toàn cao nhất.

leftcenterrightdel
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP Thủ Đức) là bệnh viện tư nhân đầu tiên chuyển đổi toàn bộ công năng sang điều trị Covid-19. 

Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh) cũng là một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 để “chia lửa” cùng y tế công lập. Ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn cho biết: “Bệnh viện hiện có hơn 100 giường bệnh với khoảng 150 bác sĩ, điều dưỡng tham gia vào hệ thống điều trị Covid-19. Chúng tôi cũng dừng tất cả mọi hoạt động khác để tập trung vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19, cùng chung tay với thành phố đẩy lùi dịch bệnh”. Còn tại khu vực quận Bình Tân, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quốc tế City đã thành lập Trung tâm điều trị Covid-19 có lối đi và không khí đối lưu riêng biệt bảo đảm an toàn cho khu khám, chữa bệnh thông thường. Trung tâm hoạt động khoảng 70 giường bệnh chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và sẵn sàng mở rộng quy mô giường bệnh khi có yêu cầu.

Không chuyển đổi hết công năng nhưng một số bệnh viện tư nhân khác như: Bệnh viện FV (quận 7), Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân), Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi)... đã sẵn sàng vận hành theo mô hình “bệnh viện tách đôi” để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiều cơ sở khác trong hệ thống y tế tư nhân tại thành phố đã tích cực tham gia mặt trận chống dịch cùng thành phố trong các chiến dịch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, tiêm vaccine phòng Covid-19... Tham gia tiêm vaccine cho người dân vùng sâu, vùng xa huyện Cần Giờ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức thông tin rằng: “Với 10 đội tiêm, bệnh viện đã đóng góp tích cực vào tiến độ tiêm vaccine của thành phố”.

Việc hệ thống y tế tư nhân tham gia vào công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và các mặt hoạt động liên quan phòng, chống dịch đã khẳng định sự chung sức, đồng lòng của toàn bộ hệ thống y tế tại TP Hồ Chí Minh trong thời điểm khó khăn, áp lực điều trị cao. Mục tiêu hàng đầu của thành phố hiện nay là giảm tối đa số ca tử vong do dịch Covid-19. Sở Y tế thành phố sẵn sàng tiếp nhận đăng ký tham gia điều trị Covid-19 từ các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn và sẽ hướng dẫn quy trình, chuyên môn cũng như trợ giúp về nhân sự nếu các cơ sở tư nhân yêu cầu.

Bài và ảnh: KHÁNH GIANG