Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các hoạt động, phương án xử lý những biến động bất thường của thị trường.
Triển khai các kịch bản bảo đảm nguồn cung
Việt Nam hiện có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9.000 chợ với các hộ kinh doanh cá thể, 600.000 nhà hàng. Về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động lên phương án và triển khai các kế hoạch PCD Covid-19, nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
    |
 |
Hàng hóa dồi dào tại siêu thị Saigon Co.op Hà Nội. |
Bắc Ninh là một trong những địa phương mà tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh Trần Ngọc Thực cho biết, về công tác bảo đảm nguồn cung, ngay từ cuối năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá, thiếu hàng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động tăng nguồn hàng dự trữ để ứng phó với dịch Covid-19. Trong mấy ngày gần đây, sức mua tăng hơn nhưng giá các mặt hàng ổn định, không có hiện tượng khan hiếm, tăng giá; người đến các hệ thống siêu thị giảm nhưng đơn hàng mua online lại tăng mạnh. Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khuyến khích người dân đẩy mạnh mua sắm qua hình thức trực tuyến, tránh tiếp xúc, tập trung đông người.
Hỗ trợ các địa phương có dịch Covid-19 tiêu thụ nông sản
Nhấn mạnh việc tăng cường bảo đảm an toàn PCD Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại trên địa bàn cả nước là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Theo đó, từng đơn vị cần xây dựng kịch bản, có phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp nhiễm hoặc dịch bệnh lây lan diện rộng trong các khu công nghiệp, các khu thương mại. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; theo dõi sát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước ngay cả khi dịch bệnh bùng phát.
Liên quan tới tình hình dịch Covid-19 đang có chuyển biến nhanh và phức tạp, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ các vùng có dịch sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến nông dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch.
Triển khai các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản như vải thiều, dứa, rau màu và các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đang vào vụ thu hoạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bắc Giang. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế chủ trì hỗ trợ các điều kiện an toàn cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản, trong đó làm tốt công tác xét nghiệm, khử khuẩn, chứng nhận (sản phẩm, xe hàng, chủ hàng, người vận chuyển, các tình nguyện viên thu mua...) để bảo đảm hàng nông sản của tỉnh đủ điều kiện lưu thông... Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ những mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết, Hải Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn PCD Covid-19. Trong đó thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử nhằm quảng bá, kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu, góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Bài và ảnh: KHÁNH AN