Để phát triển kinh tế-xã hội, Cần Giờ đang tích cực triển khai các giải pháp, tận dụng thế mạnh và huy động mọi nguồn lực để sớm trở thành khu đô thị biển.

Quy hoạch tổng thể, có trọng tâm

Với đặc điểm địa bàn huyện ngoại thành, xung quanh là sông, biển, lại có diện tích rộng, nhiều đất nông nghiệp..., vấn đề quan tâm hàng đầu để phát huy lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện của huyện Cần Giờ là phải làm tốt công tác quy hoạch tổng thể theo từng vùng, có vùng lõi, vùng tiếp giáp; có diện tích xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi...; có khu vực phát triển du lịch, dịch vụ và có diện tích dành cho giao thông công cộng. Cách đây không lâu, đại diện Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) đã đề xuất phương án quy hoạch Cần Giờ thành 3 khu vực: Đô thị vệ tinh ở Bình Khánh, Khu dự trữ sinh quyển, Khu sinh thái du lịch. Các khu vực này đều tận dụng tối đa lợi thế, bổ sung các dịch vụ thiết yếu, đặc trưng, xây dựng công trình phù hợp để có thể đạt được lợi ích cao nhất phục vụ cộng đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố: Nhiệm vụ quy hoạch Cần Giờ trong thời điểm hiện tại phải trên cơ sở quy hoạch đã được UBND thành phố duyệt và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phải tính tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặt du lịch, dịch vụ lên hàng đầu, sau đó mới tới nông nghiệp. 

leftcenterrightdel
Du khách tham quan Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. 

Quy hoạch tổng thể Cần Giờ theo từng phân khu là biện pháp hợp lý, nhưng cần chú ý đánh giá hiện trạng môi trường về điều kiện địa hình, tự nhiên, các vấn đề xã hội, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; các đặc điểm chuyển tiếp vùng bờ, vùng biển, kênh, sông tiếp giáp...; phân tích, dự báo xu hướng những tác động tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường trên cơ sở đánh giá hiện trạng, quy hoạch phân khu chức năng; ưu tiên các giải pháp bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn... Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quy hoạch phải có trọng tâm, ưu tiên phát triển giao thông đường thủy để kết nối Cần Giờ nội thành, vừa giảm chi phí đầu tư giao thông đường bộ, vừa tạo ra một loại hình dịch vụ du lịch sông nước hấp dẫn. Ngày 1-4 vừa qua, báo cáo với lãnh đạo thành phố, đại diện huyện Cần Giờ kiến nghị UBND thành phố cho phép huyện Cần Giờ thành lập các dự án đầu tư một số tuyến đường và các cầu liên xã Bình Khánh-An Thới Đông-Lý Nhơn-Long Hòa nhằm mục đích phát triển kinh tế-xã hội phục vụ sản xuất và lưu thông, đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển du lịch của huyện. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: Quy hoạch không gian, kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất có trọng điểm sẽ tạo thuận lợi cho huyện phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, phù hợp với xu hướng xây dựng đô thị biển Cần Giờ trong tương lai.

Chú trọng khai thác lợi thế biển

Tiềm năng kinh tế biển, du lịch biển của huyện Cần Giờ là rất lớn. Cho nên, khai thác lợi thế biển để phát triển kinh tế đang được huyện Cần Giờ quan tâm. Tại khu vực các xã đảo Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, kinh tế biển đã và đang mang lại thu nhập cao cho người dân, trong đó có nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần quy hoạch và định hướng nuôi trồng hợp lý, không tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Chuyên gia kinh tế Lê Thành Nhân, Phó trưởng khoa Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), cho rằng: Huyện Cần Giờ cần khai thác lợi thế biển, tăng cường kết nối vùng để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển tại vịnh Cần Giờ. Chủ trương xây dựng Cần Giờ thành đô thị biển, thành phố du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Đây là hướng đi đúng, vừa phát triển kinh tế, vừa giảm tải hạ tầng, hỗ trợ giãn dân trong nội thành.

Bên cạnh đó, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, di tích lịch sử căn cứ rừng Sác... cũng là những lợi thế cần có phương án kết nối, khai thác hợp lý để phục vụ du lịch và kinh tế; song, phải bảo đảm hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi và các dịch vụ đặc trưng của biển, của rừng gắn với đặc sản địa phương; đồng thời huy động nguồn lực để tạo đà phát triển. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tuy Cần Giờ có nhiều lợi thế nhưng phải biết khai thác một cách khoa học trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu. Trong đó, chính quyền cần có cơ chế ưu tiên thu hút nguồn vốn, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cả về hạ tầng và các loại hình dịch vụ kinh tế biển cùng những tiềm năng sẵn có trên địa bàn, tạo thành sức mạnh thúc đẩy sự phát triển toàn diện theo định hướng xây dựng đô thị biển Cần Giờ.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG