Về nhà, anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tôi tưởng chỉ có buôn bán mới mời chào khách hàng, bán được càng nhiều thì càng lợi, chứ miễn phí thì lợi lộc gì đâu mà vẫn mời nhỉ”. Tôi cười, bảo: Đó là nét văn hóa rất đặc trưng mà người Sài Gòn đã duy trì từ lâu. Họ tự nguyện tương trợ, giúp đỡ người khác với tâm niệm “cho vật chất, nhận nghĩa tình”.
Từ xa xưa, người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đã nổi tiếng nghĩa hiệp, hào phóng, sẵn sàng tương trợ cộng đồng khi cần thiết. Một phần nguyên nhân hình thành nét tính cách đặc trưng ấy là do thiên nhiên ưu đãi cho miền Nam khí hậu khá ôn hòa, vùng sông nước mênh mông dễ dàng kiếm sống nên thái độ, tính cách, tình cảm của người Sài Gòn cũng thoải mái, dễ chịu, sẵn sàng "tương thân tương ái".
Cách đây gần 300 năm, ở vùng đất Sài Gòn-Gia Định này có một phú hộ, thường gọi là Thủ Huồng, đã đem toàn bộ tài sản của mình dùng vào việc xây dựng những công trình phúc lợi, làm nhà giúp dân nghèo có chỗ dừng chân chờ nước triều xuống ở ngã ba sông; để sẵn đồ ăn trên bè cho hành khách nghèo lót dạ. Nhiều người học theo ông cùng góp công, góp sức trợ khó, tế bần. Trong những năm chiến tranh, bất chấp sự kìm kẹp của chế độ cũ, người Sài Gòn vẫn dựng trại tế bần, nhà thương để giúp đỡ những phận nghèo, bệnh nhân khốn khó. Những năm gần đây, phong trào làm từ thiện nở rộ khắp nơi, ở mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp, ai nấy đều gắng sức tương trợ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”. Việc tương trợ như chuyện nhỏ thường ngày bởi với họ “Niềm vui chia sẻ, niềm vui lớn/ Nỗi buồn chia sẻ, nỗi buồn vơi”. Lâu dần, nét đẹp nhân văn ấy trở thành đặc trưng của người TP Hồ Chí Minh.
Cũng bởi tính cách trọng nghĩa, trọng tình, ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, trong khi đang phải oằn mình vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, hậu quả của chiến tranh và thời kỳ bao cấp, TP Hồ Chí Minh đã là nơi đầu tiên triển khaiphong trào tri ân xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương” trao tặng các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn; rồi tiếp tục đi đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho thương binh, thân nhân liệt sĩ… Đó là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống quý báu của người Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay, làm lan tỏa nét đẹp tri ân trong đời sống cộng đồng.
HÀ BÌNH AN