Phá “chuẩn” sĩ số giải quyết bài toán cho trẻ vào lớp 1
Sáng 24-8, UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với đại diện các quận, huyện và các sở, ngành liên quan về tình hình tuyển sinh lớp 1 năm học 2020-2021 để bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Thành phố phải bảo đảm tạo điều kiện cho tất cả trẻ được đến trường bằng tất cả nguồn lực hiện có. Các em có độ tuổi đi học được học tập đầy đủ chương trình theo quy định, một tuần ít nhất sáu buổi".
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh: Hiện thành phố có 18/24 quận, huyện tương đối ổn định về chỗ học cho HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, một số quận như Gò Vấp, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang gặp khó khăn do số lượng trẻ đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn quá đông so với những năm học trước, dẫn đến tình trạng quá tải HS đầu cấp.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh, ông Tạ Tân, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho biết: Năm nay quận có hơn 7.000 HS lớp 1 (tương đương 169 lớp). Tuy nhiên do cơ sở vật chất hạn chế, tỉ lệ học 2 buổi/ngày của HS tiểu học chỉ đạt 30%. Vì vậy, Phòng GD-ĐT đưa ra phương án phải chấp nhận vượt “chuẩn” sĩ số một lớp để cho mọi trẻ em đến độ tuổi được vào lớp 1, đồng thời giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày để bảo đảm chỗ học cho tất cả HS.
Còn ở quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT chia sẻ, quận cũng khó khăn không kém khi: "Mỗi năm quận tăng 22.000 dân. Những năm trước, nếu không triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, không bắt buộc HS lớp 1 phải học 2 buổi/ngày thì chúng tôi sẽ giảm số lớp bán trú xuống để lấy chỗ nhận hết các em. Nhưng năm nay, phải đảm bảo triển khai chương trình mới, trong khi sĩ số HS mỗi lớp chúng tôi đã đẩy lên mức tối đa 50 em/lớp, giờ không cách nào nhận thêm được nữa”.
Tuy khó khăn về số lượng học sinh nhưng tiêu chí đầu vào lớp 1 vẫn phải đảm bảo đủ hai tiêu chí: Tiêu chí thứ nhất, theo quy định phổ cập giáo dục thì tất cả các em vào lớp 1 có chỗ đi học và học miễn phí. Tiêu chí thứ hai, học lớp 1 theo chương trình mới phải học 1 ngày 2 buổi. Năm học này mới chỉ khối lớp 1 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhưng các năm tiếp theo Thành phố sẽ triển khai chương trình này theo hình thức cuốn chiếu và áp lực về chỗ học cho năm sau sẽ căng thẳng hơn. Để giải quyết bài toán đó, một số địa phương phải chấp nhận sĩ số HS/lớp khá cao.
    |
 |
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) tại Lễ khai giảng năm học 2019-2020. |
Đảm bảo điều kiện tốt nhất khi trẻ đến trường
Nỗ lực khắc phục khó khăn và tạo điều kiện cho trẻ vào lớp 1 có đủ chỗ học tập, các quận huyện trên địa bàn thành phố đã huy động tất cả nguồn lực có sẵn. Ở quận Bình Tân, năm học mới sắp tới, quận sẽ đưa vào sử dụng một trường tiểu học và một trường THCS mới xây dựng với 72 phòng học. Nhưng như vậy vẫn không đáp ứng kịp so với tốc độ tăng học sinh. Thế nên nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận phải tận dụng cả phòng mỹ thuật, phòng truyền thống, hội trường... để làm phòng học. Trước đây, thay vì học sinh được học vẽ ở phòng mỹ thuật thì nay các trường sẽ đưa học sinh xuống sân. Hội trường cũng được ngăn ra làm đôi để làm phòng học. Để đảm bảo yêu cầu học sinh lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày, nhà trường phải chấp nhận tăng sĩ số hơn 42 em/lớp; giảm tỉ lệ học sinh khối 2, 3, 4, 5 học 2 buổi/ngày.
Đưa ra những hướng giải quyết khó khăn, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: Trước mắt, để đáp ứng được năm học này, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu với UBND Thành phố về việc giảm học 2 buổi/ngày. Về lâu dài, thành phố sẽ tiếp tục xây thêm trường theo kế hoạch đã định ra, 300 phòng học/10.000 dân, sĩ số trên một lớp là 35 HS/lớp. Mặt khác, Sở sẽ tập trung phát triển các trường tiểu học ngoài công lập. Bên cạnh đó tham mưu UBND có chính sách hỗ trợ học phí cho những HS nghèo khi theo học lớp 1 tại các trường ngoài công lập.
Cùng với việc phải chấp nhận tình trạng sĩ số lớp vượt chuẩn, thành phố cũng đã đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát lại các dự án đầu tư công xây dựng trường tiểu học và THCS, dự án nào kế hoạch hoàn thành trong năm nay thì bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng đề án hỗ trợ học phí cho HS nghèo khi học ngoài công lập. Đề án được xây dựng dựa trên nguồn lực thực tế của thành phố, dựa trên các quy định của pháp luật và cân nhắc đề xuất hình thức, đối tượng, định mức hỗ trợ. Với những gia đình phụ huynh có điều kiện, địa phương vận động, khuyến khích cho con học ở các trường tư thục. Từ đó giảm bớt áp lực tuyển sinh đầu cấp cho nhà trường, đồng thời không làm ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh và HS trong những năm học tiếp theo.
Bài, ảnh: LÊ CÚC