Ông Trần Văn Trung là người dân tại hẻm 51 bày tỏ: “Gia đình tôi và các hộ dân xung quanh đều rất an tâm, ủng hộ thực hiện mô hình này vì tính thiết thực trong PCCC. Nếu như có sự cố cháy xảy ra, chính chúng tôi sẽ nhanh chóng giúp nhau thoát nạn trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến”.

Theo đồng chí Trần Văn Út, Phó bí thư Quận ủy quận 12: Hẻm 51 đường TCH 08 của phường Tân Chánh Hiệp được chọn thí điểm thực hiện mô hình đầu tiên, rồi sẽ được nhân rộng ra toàn địa bàn trong thời gian sớm nhất để người dân chủ động hơn trong công tác PCCC. Thông qua mô hình, tất cả người dân ở khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ được hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn PCCC, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.

leftcenterrightdel
Các “Điểm chữa cháy công cộng” được thiết lập tại những hẻm nhỏ đông dân cư tại TP Hồ Chí Minh. 

Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” gồm khoảng 5-15 hộ gia đình liền kề nhau. Mỗi hộ lắp đặt một chuông báo cháy và hai nút ấn báo cháy (trong nhà và bên ngoài); trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và một bộ dụng cụ phá dỡ. Trong tổ liên gia thành lập một tổ PCCC cơ động, được hướng dẫn, trang bị kiến thức và tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Còn mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được xây dựng tại các ngõ, hẻm nhỏ tập trung nhiều gia đình, có chiều sâu từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được. Mỗi điểm này được bố trí các bình chữa cháy, kìm cộng lực, búa...

Nói về mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, Thiếu tá Trương Tấn Thiện, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp thương tâm khi người dân chậm phát hiện và lúng túng trong xử lý những vụ cháy ngay trên địa bàn. Các “Tổ liên gia an toàn PCCC” tận dụng được "thời gian vàng" trong công tác cứu hỏa theo đúng phương châm "4 tại chỗ", vì lực lượng tại chỗ có thể tiếp cận vụ cháy nhanh nhất. Bên cạnh đó, mỗi người dân còn được hướng dẫn cài đặt và sử dụng app “Báo cháy 114”, “Help 114”.

Thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, người dân có ý thức tự giác và biết cách PCCC, góp phần quan trọng giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra ở khu dân cư hoặc nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, đã có 82 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 77 “Điểm chữa cháy công cộng” đã được triển khai trên địa bàn 16/22 quận, huyện và TP Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” xác định công tác PCCC lấy phòng ngừa là chính với phương châm “từng nhà an toàn, từng khu phố an toàn, từng xã, phường an toàn”. Các tổ này cần được duy trì nghiêm túc, có diễn tập nhằm nâng cao công tác phối hợp, xử lý tình huống của các thành viên, các lực lượng và phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đánh giá, rút kinh nghiệm để mô hình ngày càng hoàn thiện, nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố”.

Bài và ảnh: BÍCH TRÂM