leftcenterrightdel

Tuổi trẻ phường 7 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) tặng quần áo người nghèo.

Sáng sớm, trong lúc đang tập thể dục, ông Đinh Văn Huệ (thường gọi là Bảy Huệ), 91 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 7, phường 15 (quận 10) bỗng nghe tiếng ồn ào trong hẻm. Ra cổng, ông nhận ra tiếng hai vợ chồng gia đình cuối hẻm đang lo lắng đi tìm cậu con trai 10 tuổi vắng mặt cả đêm. Lập tức, ông Huệ chạy đến hỏi thăm tình hình rồi thông báo cho nhiều người biết cùng hỗ trợ tìm kiếm giúp. Ông gọi hai đồng chí dân phòng căn dặn đến mấy tiệm internet để tìm, còn mình ở lại động viên gia đình và đợi tin tức. Khoảng một giờ sau, cậu con trai đã được đưa về nhà trong niềm vui của cha mẹ, người thân. Vỗ vai cậu bé, ông Bảy Huệ hỏi: “Cháu có biết vì mình mà bố mẹ cháu và cả khu vất vả, lo lắng không?”. Nhìn ánh mắt cương nghị, nghiêm khắc của ông, cậu bé trả lời lí nhí: “Cháu xin lỗi ông, cháu hứa từ nay không chơi games nữa”. Đó chỉ là một trong vô vàn việc làm hữu ích của ông Bảy Huệ đối với hàng xóm láng giềng. Sự nhiệt tình, tận tâm của ông được cả khu phố tin yêu, quý trọng. Ông Bảy Huệ chia sẻ: “Làm được gì cho bà con lối xóm thì mình cứ cố mà làm. Niềm vui sẽ nhân lên khi mọi người sống với nhau có tình, có nghĩa”.

Ở quận 8, một trong những gương tiêu biểu trong việc bảo vệ môi trường, làm sạch, đẹp dòng kênh Tàu Hũ-Bến Nghé là Thượng tọa Thích Huệ Công, trụ trì chùa Long Hoa. Những năm qua, nhà sư trụ trì đã vận động phật tử tham gia bảo vệ môi trường, tổ chức thả hàng tấn cá xuống kênh; dọn vệ sinh dòng chảy, khắc phục ô nhiễm trong khu dân cư và vận động chăm lo người nghèo, trẻ em khuyết tật với số tiền hàng tỷ đồng. Thượng tọa Thích Huệ Công là đại diện cho tín đồ phật giáo quận 8 có tấm lòng từ bi, sống nghĩa tình, trách nhiệm với cộng đồng.

Cũng hết lòng vì người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, 26 năm nay, nữ tu Nguyễn Thị Hào, 76 tuổi, thuộc dòng Đức Bà truyền giáo, đã mở lớp học tình thương Thanh Tâm ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) trở thành ngôi nhà chung cho trẻ em nghèo, mang đến cho các em tình thương và con chữ. Đến nay, đã có hàng nghìn học sinh là trẻ lang thang, bán vé số được bà và các cô giáo của lớp học tình thương nuôi dạy hết chương trình tiểu học. Nhiều cháu đã thi đỗ vào THCS và học lên cao đẳng, đại học, trở thành người có ích cho xã hội. Nữ tu Nguyễn Thị Hào tâm sự: “Cụ thể hóa phương châm “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, tôi đã sửa chữa lại căn nhà, xây dựng thêm các phòng làm lớp học giúp trẻ em cơ nhỡ vơi bớt cơ cực, được học hành, thoát cảnh mù chữ. Các cháu trưởng thành là niềm vui của chúng tôi”.

Là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh khu phố 1, phường 2 (quận 6), ông Nguyễn Viết Quản (68 tuổi) lại được nhiều người biết đến với các hoạt động từ thiện xã hội và tích cực tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ông dành nhiều thời gian thu thập thông tin rồi viết thư gửi tới thân nhân liệt sĩ báo tin địa chỉ mộ phần và sẵn sàng giúp đỡ gia đình cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Đối với trẻ em nghèo, ông Quản đều đặn trích một phần lương hưu tặng học bổng; vận động con cháu trong nhà mỗi người trích 20% tổng thu nhập hằng năm để nuôi heo đất ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, quỹ học bổng địa phương và xây nhà tình thương, tình nghĩa… Gia đình ông đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện của phường và quận.

Còn ở quận Bình Thạnh, gần một năm nay, cứ khoảng 9 giờ, trước cổng trụ sở UBND phường 7 có chừng 30 người xếp hàng để nhận những mặt hàng miễn phí do Hội Liên hiệp Thanh niên phường tổ chức. Đây là mô hình từ thiện mang tên “Bách hóa miễn phí” do anh Huỳnh Bá Quang, Chủ tịch Hội LHTN phường 7 khởi xướng; nguồn kinh phí duy trì mô hình do đoàn viên, thanh niên phường tự nguyện quyên góp cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trên địa bàn. “Bách hóa miễn phí” có khá nhiều nhu yếu phẩm, như: Mì gói, nước mắm, nước tương, muối, bột canh, dầu ăn, đường, sữa, nước suối và cả quần áo. Anh Nguyễn Văn Thịnh, dân quân thuộc Ban CHQS phường 7, thành viên tổ “Bách hóa miễn phí” tâm sự: “Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi đều tự nguyện tham gia phục vụ bà con. Đây cũng là một việc ý nghĩa mà tuổi trẻ nên làm”.

Còn rất nhiều những tấm gương, mô hình “làm theo lời Bác” ở TP Hồ Chí Minh, như: Linh mục Nguyễn Hoàng Tú, Phó xứ Tân Phước (quận Tân Bình) và ông Lê Văn Nam, Phó ban Đoàn kết công giáo quận Gò Vấp đã có gần 40 lần hiến máu nhân đạo; bà Đinh Thị Kim Phấn, 63 tuổi, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1), tròn 10 năm gắn bó với lớp học tình thương trong Bệnh viện Ung bướu thành phố, mang lại nghị lực và khát vọng sống cho trẻ em ung thư… Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Triệu Lệ Khánh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Tùy theo điều kiện, khả năng, mỗi người vì mọi người theo tinh thần thêm những việc làm tốt để thêm niềm vui, hạnh phúc cho mình và cộng đồng xã hội.

Bài và ảnh: YẾN LONG