Chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Trong số chung cư cũ, có hơn 400 chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn người dân. Điển hình như chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), được xây dựng vào năm 1968 hiện nay trở nên xập xệ, nhiều mảng tường bong tróc nặng nề, trần, đà nhiều chỗ nứt nẻ lộ cả sắt, hệ thống ống nước bị hư hỏng, rò rỉ.
Chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được xây dựng từ năm 1960 với 280 căn hộ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hiện tại, hai lô 4 và 6 thuộc khu chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, nghiêng lún, có nguy cơ đổ sập nên các hộ dân đã được di dời đi nơi khác. Chị Hoàng Hương Giang, sống hơn 20 năm nay tại Lô P, chung cư Thanh Đa, cho biết: “Chúng tôi luôn thấp thỏm, sợ hãi khi sống ở chung cư này. Nếu trời mưa thì nước dột đầy sàn nhà. Nếu có chương trình đền bù hợp lý để có chỗ ở ổn định thì chúng tôi sẵn sàng chuyển đi ngay”.
Hầu hết người dân sống tại các chung cư cũ chưa di dời vì lo ngại số tiền được đền bù không đủ mua lại căn hộ chung cư mới, chủ đầu tư thực hiện dự án kéo dài, vị trí tái định cư xa trung tâm... Ông Nguyễn Minh Tâm, ngụ tại Lô Y, chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, cho biết: “Tôi sống ở đây gần 30 năm rồi, ở đây gần trung tâm thành phố, gần chợ, trường học và bệnh viện thuận tiện cho việc học tập cũng như sinh hoạt của gia đình. Nếu nhà nước xây dựng mới thì tôi chỉ mong được tái định cư tại chỗ với diện tích tương xứng”.
Chủ trương di dời dân và cải tạo chung cư cũ được chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo và xây dựng mới lại gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế, thủ tục. Các doanh nghiệp thì không mặn mà tham gia do lợi nhuận không cao, thời gian triển khai dự án kéo dài, chi phí hỗ trợ đền bù cao, diện tích chung cư cũ nhỏ, vị trí không thuận lợi… Mới đây, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù trong cải tạo, xây mới chung cư cũ, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đột phá với mục tiêu đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm chung cư cũ. Các giải pháp này hướng đến phân cấp mạnh cho quận, huyện trong cải tạo, xây mới chung cư cũ; tạo chính sách ưu đãi để doanh nghiệp tham gia, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân… Đồng chí Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, cho biết: “Việc giao quyền cho cấp quận, huyện giải quyết chung cư cũ sẽ tạo hiệu quả rất cao, nâng cao tính chủ động ở cơ sở. UBND quận 4 đang rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng chung cư để đề xuất với Sở Xây dựng tháo gỡ khó khăn cho từng dự án một. Quận quyết tâm sẽ tiến hành cải tạo, xây mới chung cư cũ ngay trong năm 2016 và năm 2017.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, năm 2015, thành phố đã di dời 129 hộ tại 5 chung cư, tháo dỡ 2 chung cư cũ với tổng diện tích 16.774m2, xây dựng hoàn thành 1 dự án chung cư với 444 căn. Hiện nay, thành phố đang triển khai cải tạo 31 chung cư, bao gồm xây mới 16 chung cư cũ và di dời 15 chung cư xuống cấp, di dời 741/1.154 hộ. Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu xây mới 240.000m2 thay thế các chung cư cũ.
Đồng chí Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết: Việc cải tạo, xây mới lâu nay còn chậm, có nhiều vướng mắc về cơ chế, chưa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và hộ dân diện di dời. Trong thời gian tới, các giải pháp khi triển khai sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn với sự tham gia của các doanh nghiệp. Khi lợi ích được bảo đảm thì doanh nghiệp sẽ tham gia và người dân thuộc diện bồi thường cũng sẽ sẵn sàng hợp tác.
Bài và ảnh: SONG AN - TÚ TRINH