leftcenterrightdel
Lãnh đạo Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ trao đổi với một số hộ dân nhận khoán. 

Chúng tôi có mặt tại Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đúng ngày diễn ra đợt tập huấn công tác quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ dân nhận khoán giữ rừng. Ngoài nội dung tuyên truyền về tác dụng, vai trò của rừng phòng hộ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng, các hộ gia đình còn được hướng dẫn biện pháp phòng, chống cháy nổ, thiên tai, kỹ năng xử lý tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ngăn chặn tình trạng phá rừng… Ông Cát Văn Thành, Phó trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: “Rừng ngập mặn này nằm ở vùng cửa sông Đồng Nai-một hệ thống sông nội địa lớn nhất của nước ta, đồng thời cũng là cửa ngõ phía Đông Nam của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Cho nên, để bảo vệ chặt chẽ rừng phòng hộ, công tác tập huấn nghiệp vụ được Ban quản lý phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho cán bộ, viên chức, người lao động và các hộ dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng”.

Với diện tích quản lý hơn 31.700ha rừng, Ban quản lý chia thành 6 phân khu, giao khoán cho 141 hộ trông coi, bảo vệ rừng, mỗi hộ ít nhất là 40ha, nhiều nhất là hơn 240ha. Trước khi giao khoán, các hộ dân phải cam kết thực hiện nghiêm những điều khoản ràng buộc, không xâm phạm cây rừng, đất rừng; nếu phát hiện vắng mặt tại chốt canh để cây rừng bị xâm hại sẽ chịu trách nhiệm bồi thường… Chị Hiền, một hộ dân nhận khoán chia sẻ: “Những điều khoản, chế tài xử lý ghi trong hợp đồng bắt buộc các hộ phải tích cực chăm sóc, chủ động bảo vệ diện tích nhận khoán, bởi đây không chỉ là “miếng cơm manh áo” của cả gia đình mà còn là ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của mỗi chúng ta”.

Việc giao khoán theo từng tổ, mỗi tổ từ 3 đến 4 hộ có diện tích rừng liền kề là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, quản lý rừng. Theo ông Cát Văn Thành, chia tổ giữ rừng không chỉ thuận lợi trong công tác quản lý nhân sự, giảm bớt khâu trung gian mà còn thuận tiện cho các hộ dân trong tổ hỗ trợ nhau khi cần thiết, hạn chế rủi ro trong quá trình đi tuần tra; đồng thời còn là biện pháp để các hộ kiểm tra chéo và nhắc nhở nhau đề cao trách nhiệm bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ còn phối hợp với 15 đơn vị LLVT, thanh niên xung phong đứng chân trên địa bàn huyện Cần Giờ để tuần tra, kiểm soát, bảo vệ, quản lý rừng; hằng tháng tổ chức giao ban các lực lượng để nắm tình hình an ninh trật tự, các hoạt động xây dựng, sản xuất dưới tán rừng, nhất là địa bàn giáp ranh. Các chốt an ninh được bố trí khắp nơi, thường xuyên có lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ canh trực. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục môi trường được Ban quản lý tổ chức đều đặn. Ông Lê Văn Sinh, Trưởng ban Quản lý cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố và huyện Cần Giờ, chúng tôi phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xây dựng và phát triển Câu lạc bộ “Phụ nữ với biến đổi khí hậu”; phối hợp với 23 trường học thành lập Câu lạc bộ “Em yêu thiên nhiên”; cùng Đài Phát thanh huyện thực hiện chương trình phát thanh bảo vệ rừng, cấm săn bắt địa sâm… Các biện pháp đó đã góp phần không nhỏ nâng cao ý thức của người dân địa phương chung tay bảo vệ rừng phòng hộ.

Quán triệt tinh thần hỗ trợ việc làm cho người lao động, triển khai giao khoán rừng cho các hộ dân, Ban quản lý ưu tiên cho gia đình chính sách, hộ nghèo, có nhân khẩu trong độ tuổi lao động. Chủ trương này đã thiết thực giúp đỡ các hộ dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Văn Rạng, 49 tuổi, Tổ trưởng tổ 7, phân khu 6, tâm sự: “Trở về địa phương sau 10 năm quân ngũ, tôi làm đủ mọi việc để kiếm sống nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn rất khó khăn. Năm 1996, tôi được Ban quản lý tạo điều kiện giao rừng để chăm sóc, bảo vệ. Nhà tôi có 2 lao động nên nhận 50ha. Nhờ chịu khó làm ăn, lại được vay vốn, hướng dẫn kỹ năng trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng nên hiện nay gia đình tôi đã có thu nhập khá. Ngoài ra, tôi còn có thêm khoản thu từ việc bắt cua, cá, tôm… tại các sông, hồ trong rừng phòng hộ, không còn đói nghèo như trước nữa”. Gia đình anh Nguyễn Hoàng Phiên, thuộc tổ 4, phân khu 1 cũng khá lên nhờ nhận khoán hơn 130ha rừng phòng hộ. Anh Phiên bộc bạch: Toàn bộ diện tích rừng nhận khoán của gia đình tôi hiện nay là do bố tôi giao lại. Vợ chồng tôi tiếp nối giữ rừng là thế hệ thứ hai. Với 3 nhân lực lao động, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 130 triệu đồng từ Ban quản lý chi trả. Cộng thêm các khoản thu nhập khác, gia đình tôi cũng có bát ăn bát để. Tất cả là nhờ sự hỗ trợ của Ban quản lý tạo việc làm đều đặn cho chúng tôi.

Hiện tại, 141 hộ dân nhận khoán bảo vệ Rừng phòng hộ Cần Giờ đều có kinh tế ổn định, yên tâm giữ rừng. Người dân địa phương cũng hiểu rõ hơn về tác dụng của rừng phòng hộ nên hạn chế tình trạng đốn, chặt cây rừng, xâm lấn đất rừng. Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ Lê Văn Sinh khẳng định: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững Rừng ngập mặn Cần Giờ càng trở nên cấp bách vì đây là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường sống trong lành. Bởi vậy, các cơ quan chức năng và toàn thể nhân dân địa phương đều nhận thức rõ điều này, thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG