Năm 2021, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Đầu tháng 5 vừa qua, trên địa bàn quận 8 xảy ra sự cố sụt lún bờ kênh Đôi làm 2 căn nhà bị sập, 6 căn khác bị ảnh hưởng, 2 người bị thương và thiệt hại nhiều tài sản. Trước đó, mưa lớn kèm dông lốc gây tốc mái, hư hại nhà ở của 12 hộ dân ở phường 4 (quận 8); một số cây xanh gãy đổ, dây điện bị đứt... Ngay sau khi sự cố xảy ra, LLVT và các đoàn thể quận 8 đã khẩn trương giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả; chính quyền địa phương kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

leftcenterrightdel
Tặng quà hỗ trợ hộ dân ở quận 8 bị thiệt hại do thiên tai, đầu tháng 5-2021. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới đời sống của người dân, chính quyền thành phố và các địa phương đã tích cực triển khai công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Từ đầu năm 2021, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời chỉ đạo xây dựng các kịch bản, tình huống và phương pháp xử trí sát với dự báo thời tiết, khí hậu trong năm để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Mới đây, UBND thành phố họp trực tuyến, nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng và những biện pháp cần triển khai mạnh mẽ để ứng phó với thiên tai. Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành, các địa phương thuộc thành phố tăng cường tập huấn, diễn tập sát thực tế địa bàn; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng để người dân chủ động nắm thông tin về thời tiết và chuẩn bị những biện pháp tự bảo vệ tính mạng, tài sản. Từng địa phương dự trù đầy đủ vật chất, phương tiện, lực lượng, sẵn sàng cơ động xử lý tình huống khi có lệnh...

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình vận hành điều tiết nước; quy trình xả lũ và hệ thống kênh mương, cống thoát nước trên địa bàn; làm sạch dòng chảy và có phương án chống ngập úng cục bộ, chống sạt lở công trình dân sinh và khu dân cư... Ngành điện lực thành phố phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh rà soát hệ thống điện và cắt tỉa cành cây, chằng chống những cây mới trồng, dễ bị gãy đổ, nhất là ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện, nơi công cộng, trường học, bệnh viện; kiểm tra các trụ điện, đường điện ngầm... Bộ đội Biên phòng và Bộ tư lệnh thành phố chủ động luyện tập phương án tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang bị đáp ứng với từng tình huống cụ thể...

Đại tá Lê Xuân Thế, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Với trách nhiệm của lực lượng chủ công trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, Bộ tư lệnh thành phố đã triển khai sớm các biện pháp chuẩn bị ứng phó, tổ chức lực lượng, bổ sung vật chất, trang bị, dự kiến địa điểm tập kết vật chất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Bài và ảnh: LỘC AN