Phần lớn tội phạm là về cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, tội phạm về ma túy, cờ bạc, lừa đảo công nghệ cao, tín dụng đen... Một số băng nhóm tội phạm có tính chất hoạt động liên tỉnh, thành phố gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh.

Vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp triệt phá thành công một đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ biên giới vào nội địa tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã bắt giữ các đối tượng, thu giữ tang vật 6kg ma túy tổng hợp. Ngay đầu tháng 10-2020, công an TP và tỉnh Bình Dương đã phối hợp triệt phá băng nhóm cướp giật tại vùng giáp ranh nằm ở khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Từ đó, đã nêu bật vai trò, tầm quan trọng của công tác liên kết, phối hợp trong đấu tranh các loại tội phạm, giữ vững an ninh địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh của công an thành phố với các địa phương. 

Trao đổi về hiệu quả từ công tác phối hợp giữa công an TP Hồ Chí Minh và các địa phương ở địa bàn giáp ranh, theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố, lực lượng công an các tỉnh, TP thường xuyên xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và chuyển hóa địa bàn. Các lực lượng đã tập trung phối hợp kiểm tra hành chính, tuần tra kiểm soát, nhất là các tuyến đường giáp ranh, phòng, chống đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phối hợp tuần tra kiểm soát các tuyến đường sông. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tổ chức phối hợp công tác đưa, dẫn đoàn giữa các tỉnh, thành phố. Nổi bật là công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu từ biên giới, tuyến đường biển. Công an các tỉnh, TP còn phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Khu vực giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh gồm có 47 địa bàn cấp quận, huyện, thị xã, thành phố và hơn 170 địa bàn giáp ranh cấp phường, xã, thị trấn. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ phạm pháp hình sự tại khu vực địa bàn giáp ranh đã chiếm hơn 57,6% số vụ của 7 tỉnh, thành phố. Để quy chế phối hợp được thực hiện hiệu quả, các đơn vị sẽ triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật..., chú trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, nhân rộng các mô hình vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại địa bàn giáp ranh. Ngoài nội dung được ký kết chung, các đơn vị sẽ phát huy thế mạnh của từng địa phương để phòng, chống tội phạm, cùng phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, giải quyết tốt mọi vấn đề phát sinh theo tình hình thực tiễn.

Đánh giá cao việc ký kết quy chế phối hợp hoạt động giữa công an thành phố và các tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị, ngoài công tác phối hợp chung, cần nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề, chuyên đề cao điểm có tính phức tạp để phối hợp, có giải pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm hiệu quả hơn, đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm liên tỉnh, thành phố. Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh cần xây dựng mối quan hệ gắn kết ngày càng chặt chẽ để gắn bó, chia sẻ và khi có vấn đề xảy ra, cả vùng cùng phối hợp hành động.

ANH DŨNG