Trước đây, gia đình ông Trần Văn Tấn, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, là một trong những hộ khó khăn của địa phương. Bằng nguồn vốn tiết kiệm của gia đình, năm 2015, ông Tấn mua 100.000 bịch phôi giống nấm bào ngư xám về trồng và tìm hiểu trồng thêm nấm linh chi đỏ. Hiện, mỗi ngày gia đình ông sản xuất trên 100kg nấm bào ngư xám, 3 tháng thu được 500kg nấm linh chi đỏ, doanh thu mỗi năm hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi tháng thu lợi trên 30 triệu đồng. Theo ông Tấn, trồng nấm bào ngư xám có tiềm năng lớn, giá ổn định, không cần đầu tư lớn, chỉ cần chú ý chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh sạch. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều nông dân trên địa bàn cùng làm giàu. Đến nay, ông đã thành lập Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Nhơn Đức với sản phẩm chủ lực là sản xuất nấm.

leftcenterrightdel
Mô hình trồng hoa lan tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

Từ khu vườn gần 4.000m2 hoa màu năng suất thấp, ông Nguyễn Ngọc Ái, ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây kiểng, hoa mai vàng, bon sai, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng. Khu vườn không chỉ có giá trị kinh tế mà còn tạo ra môi trường sinh thái trong đô thị, hấp dẫn khách đến tham quan. Hơn 15 năm đam mê trồng hoa mai vàng, đến nay, anh Nguyễn Văn Hiền, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, đã có tổng giá trị gần 15 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 300 đến 500 triệu đồng/năm... Trên đây là ba trong số 27 gương nông dân sản xuất giỏi năm 2020 của thành phố.

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các huyện ngoại thành coi trọng phát triển mô hình sản xuất theo hướng môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp; các quận vùng ven và một số quận nội thành tận dụng quỹ đất phát triển NNĐT với các ngành nghề trồng hoa, cây cảnh... Thành phố có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm nông nghiệp, tạo hàng hóa giá trị cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tiêu dùng trong nước. Ngành nông nghiệp tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm (qua hội chợ, triển lãm, phiên chợ...), xác định những hàng nông sản đặc sản, thế mạnh của mình từ đó xây dựng chuỗi liên kết, tạo thương hiệu. 

Thành phố quan tâm xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình NNĐT, như: Trồng hoa lan cắt cành; kiểng cổ; hoa mai vàng; nông sản sạch, an toàn... làm chuyển đổi mạnh về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo mỹ quan đô thị, giải quyết tốt việc làm tại chỗ ở các vùng ven. Hiện thành phố có hơn 5.000 trang trại gia đình, hình thành gần 100 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 200 tổ sản xuất... Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt hơn 550 triệu đồng/ha, tăng trưởng bình quân gần 6%/năm.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, phát triển NNĐT đã góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và giữa ngoại thành với nội thành, tạo bộ mặt nông thôn đổi mới, bảo vệ môi trường, ổn định tình hình kinh tế-xã hội của thành phố. Đây là những mô hình, kinh nghiệm hay để thành phố triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

Bài và ảnh: DUY HIỂN