Lựa chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (quận 7), chị Phan Thị Minh Tâm chia sẻ: “Hằng năm, gia đình tôi chờ thời điểm này để được mua vải tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Mặt hàng này luôn được siêu thị bảo đảm chất lượng, đúng gốc ở vùng trồng vải và đạt tiêu chuẩn VietGAP nên gia đình tôi rất an tâm sử dụng”.

leftcenterrightdel
Khách hàng chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, TP Hồ Chí Minh.

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang nỗ lực góp phần đưa nông sản Việt đến thị trường sau thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Mặt hàng vải thiều được đơn vị thu mua trực tiếp từ vùng Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa đến tiêu thụ tại gần 1.000 điểm bán của hệ thống trong toàn quốc. Điểm mới mùa vụ năm nay của Liên hiệp HTX Thương mại TP là đưa một số mặt hàng nông sản Việt, trong đó có vải thiều được kinh doanh trên nền tảng trực tuyến với chương trình “Ủng hộ nông sản Việt”. Khách hàng có thể dễ dàng đặt mua vải thiều và gạo ST Xuân Hồng với giá ưu đãi ngay trên ví điện tử MoMo, sau đó sẽ được siêu thị giao hàng tận nơi.

Liên quan đến tiêu thụ nông sản Việt, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: "Mùa vải năm 2020, hệ thống Big C và GO! sẽ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải Lục Ngạn (Bắc Giang) gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ vải năm trước. Big C và GO! còn dành vị trí đẹp nhất để quảng bá vải, đồng thời, áp dụng hàng loạt chương kích cầu mua sắm đặc biệt".

Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường thành phố còn những mặt hàng trái cây được đưa về từ Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... như: Măng cụt, thanh long, bơ, sầu riêng, bưởi da xanh... Không chỉ trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa, cả mạng lưới chợ truyền thống cũng đã bắt đầu kinh doanh mặt hàng này, mang đến sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng tại thị trường thành phố sau dịch Covid -19 thay đổi khá nhiều. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn kênh mua sắm online và giao hàng tận nhà.

Theo ông Giang Minh Trường, Giám đốc Trung tâm điều hành chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SATRA (thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn), tổng sản lượng nông sản Việt được tiêu thụ tại hệ thống của tổng công ty vào khoảng 350 tấn/tháng, chiếm khoảng 85% tổng sản lượng tiêu thụ toàn hệ thống bán lẻ của đơn vị. Hiện tại, đơn vị đã liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản của nhiều địa phương như: Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng. Độ “phủ sóng” của mặt hàng nông sản Việt ở hầu hết các kệ hàng siêu thị đã chứng minh quá trình tiến vào thị trường của nhà nông. Tuy nhiên, ông Giang Minh Trường cũng lưu ý, để nông sản Việt giữ vững được uy tín thì chất lượng phải rất tốt và bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Người sản xuất cần thay đổi thói quen canh tác phù hợp với điều kiện thiên nhiên, hoặc canh tác kỹ thuật cao, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để duy trì sản lượng và chất lượng nông sản, duy trì tiêu thụ thường xuyên, nhằm mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất và phân phối.

Bài và ảnh: KHÁNH GIANG