Phát huy những điểm sáng trong kinh tế

Trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, 10 tháng của năm 2020, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã phát huy được một số điểm sáng đáng ghi nhận. Nổi bật là, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao thành phố tăng 19,82% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt hơn 15,4 tỷ USD, tăng 23,59%. 

Đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết: “Những kết quả khả quan trên là nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay chia sẻ của người dân. Thành phố đã triển khai tổng lực hàng loạt chương trình để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian còn lại của năm 2020, thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm”.

leftcenterrightdel
TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thời gian cuối năm 2020.

Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết: “Các chỉ tiêu phát triển của ngành trong năm 2020 phần lớn chưa đạt 50%. Nhưng hai tháng gần đây, lượng khách du lịch nội địa đến thành phố có xu hướng tăng. Trong bối cảnh khách quốc tế chưa trở lại, thành phố chủ động vươn ra các địa phương để kết nối, tạo những sản phẩm liên kết độc đáo và những dòng khách hai chiều với Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung. Thành phố phấn đấu sẽ đạt 15 triệu lượt khách du lịch nội địa khi kết thúc năm 2020”.

Theo Cục Thống kê thành phố, trong 10 tháng năm 2020, có gần 33.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 769.550 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung tăng 43,39% so với cùng kỳ, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 3,4 tỷ USD. Ngoài ra, trong 10 tháng đã có hơn 7.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Một tín hiệu phục hồi khác là số lượng doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực dịch vụ đang chiếm ưu thế trong tổng số doanh nghiệp được thành lập. 9 ngành dịch vụ chủ yếu có nhiều doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với hơn 23.100 doanh nghiệp, chiếm 70,7% trong tổng số giấy phép.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa, từ nay đến hết năm 2020, Sở Công Thương thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ các địa phương triển khai hiệu quả, đồng bộ chương trình kích cầu tiêu dùng, hợp tác thương mại. Ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương thành phố cho biết, sở sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn cho tái sản xuất, sở sẽ tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, khuyến mãi, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từ đó, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, gia tăng xuất khẩu.

Bảo đảm thu ngân sách

Thu ngân sách là nhiệm vụ rất quan trọng của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Dưới tác động của dịch Covid -19, với sự năng động vốn có, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã kịp thời chuyển đổi mô hình hoạt động, linh hoạt trong kinh doanh truyền thống với trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Qua đó, tạo nền tảng cho số thu ngân sách trong quý III, đầu quý IV năm 2020 đã có chiều hướng tăng trưởng tích cực. Kết quả thu chi ngân sách nhà nước trong tháng 10-2020 với đà chuyển biến tích cực, tăng 27% so với tháng 9 và lũy kế 10 tháng ước đạt 71,65% so với dự toán.

Theo đồng chí Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, trong thời gian còn lại của năm, để bảo đảm nguồn thu ngân sách, đồng chí Phạm Thị Hồng Hà đề xuất 4 nhóm giải pháp. Đó là hạn chế tình trạng nợ đọng thuế, đẩy mạnh công tác khai thác nguồn thu từ đất, triển khai công tác rà soát số liệu kê khai thuế, tăng cường công tác đấu tranh chống thất thu, tiếp tục tạo lập nguồn thu cho ngân sách thành phố trong những tháng cuối năm và năm tiếp theo.

Cục Thuế thành phố hiện quản lý hơn 250.000 doanh nghiệp và 220.000 hộ kinh doanh. Nhằm bảo đảm nguồn thu, Cục Thuế thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cơ quan thuế các cấp tiến hành rà soát tình hình ngưng, nghỉ, giải thể của doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19, đánh giá rà soát nguồn thu bị ảnh hưởng của từng doanh nghiệp, từng khu vực kinh tế, thống kê tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này trong các năm trước liền kề, để nắm bắt số liệu, dự kiến nguồn thu trong từng tháng cuối của năm 2020.

Tại cuộc họp kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2020, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, kết quả của việc áp dụng những chính sách trong thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. UBND thành phố sẽ làm việc với một số sở, ngành như thuế, hải quan, tài chính... để thực hiện các giải pháp cố gắng đạt tổng thu ngân sách cho cả năm 2020 với kết quả tốt nhất có thể. Trong điều kiện hiện nay, các ngành, các cấp cần phải nỗ lực rất lớn để đạt được kết quả thu ngân sách.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG