Đề cao vấn đề nêu gương

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, được khẳng định ngay ở chủ đề đại hội là: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân...”. Nêu gương cũng là vấn đề được các cấp, các ngành và người dân thành phố quan tâm đóng góp, xem đó là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, từ đó lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

leftcenterrightdel
Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh bàn giao, đưa vào sử dụng công trình sân chơi thiếu nhi, chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Bà Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố bày tỏ: “DTVK Đại hội ĐBTP có nội dung đề cao vấn đề nêu gương, thể hiện quan điểm tích cực và trách nhiệm, nhất quán tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nổi bật là, “cần đặc biệt quan tâm vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong thực hiện công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền”. Tôi cũng rất tán thành giải pháp về công tác tư tưởng, chính trị và quy định “100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương...” ở phần chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025”.

Để thực hiện tốt vấn đề nêu gương, nhiều ý kiến đề xuất từng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải xem việc nêu gương là yêu cầu hàng đầu trong công tác, lối sống, sinh hoạt. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTP lần thứ XI, cần có chương trình hành động riêng hoặc một phần riêng ở phần xây dựng Đảng về nêu gương. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định, các yêu cầu về nêu gương được thực hiện đầy đủ trên thực tế; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên chưa nêu gương hoặc không tổ chức thực hiện các quy định về nêu gương trong phạm vi, quyền hạn. Từ đó, việc nêu gương sẽ được lan tỏa, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Do đặc thù là đô thị lớn, các ý kiến đề nghị ĐBTP quan tâm lãnh đạo tốt về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng người thực thi nhiệm vụ, xây dựng đạo đức công vụ. Cán bộ chủ chốt, lãnh đạo phải gần dân, sát dân, tăng cường kiểm tra, giám sát... Ông Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) đề xuất dự thảo báo cáo chính trị cần tập trung các giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình tổ chức phù hợp với thực tiễn và đặc thù của thành phố. Các cấp lãnh đạo cần thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị, cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Quan tâm chất lượng cuộc sống người dân

Để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, người dân mong muốn thành phố chú trọng hơn nữa tới việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người dân, công nhân lao động. Trong thực tế, chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân thành phố còn đứng trước những thách thức không nhỏ khi "sống chung" với nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Bà Hoàng Thị Tố Nga dẫn chứng: "Chỉ tiêu đến năm 2025, 100% hộ dân sử dụng nước sạch, không sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt gia đình, sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, người dân vẫn phải sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp. Để đạt được chỉ tiêu này, thành phố cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt. Ngoài ra, các chính sách về giáo dục, y tế, môi trường, giao thông... cần quan tâm đến nhu cầu và lợi ích thiết thực của người dân".

Đối với công nhân lao động, bà Lê Thị Thanh Nhã, công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 6, cho rằng, thành phố cần xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu lưu trú công nhân, nhất là phải tổ chức các hoạt động ngoài giờ để cho công nhân có điều kiện thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá hệ thống các thiết chế văn hóa hiện nay, đặc biệt là ở cấp phường, xã, thị trấn. Để luôn “vì hạnh phúc nhân dân” thì chất lượng cuộc sống trong điều kiện cho phép chính là vấn đề lớn mà Đại hội đại biểu ĐBTP cần quan tâm, hướng tới.

Cùng với những vấn đề lớn, nhiều ý kiến tâm huyết cũng chuyển tải đến Đại hội đại biểu ĐBTP về những giải pháp để thực hiện hệ thống hơn 20 chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025; các nội dung về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, nội dung thực hiện chương trình đột phá, chương trình trọng điểm phát triển thành phố... Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến mong muốn DTVK của Đại hội ĐBTP lần thứ XI cần đề cập đến hoàn cảnh cụ thể hiện nay về dịch bệnh, qua đó dự báo tình hình, có phương hướng lãnh đạo cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội một cách phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống của người dân.

Bài và ảnh: KHÁNH GIANG - ANH DŨNG