Cảng TCIT đang thu hút lượng hàng quá cảnh lớn giữa Việt Nam và các nước.

Đi vào hoạt động từ tháng 1-2011, cảng TCIT luôn giữ vững vị thế là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, bằng việc cán mốc hơn 1.639.200 TEU sản lượng thông qua trong năm 2018, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 55% thị phần khu vực Cái Mép-Thị Vải. Bên cạnh đó, cảng TCIT còn là cảng container có thị phần cao nhất tại khu vực Cái Mép, luôn chiếm trung bình khoảng 60% của toàn khu vực và là cảng container lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ đứng sau Tân cảng-Cát Lái)…

leftcenterrightdel
Tàu hàng nước ngoài hơn 100.000 tấn “ăn” hàng tại cảng TCIT.

Để đạt được những kỷ lục bứt phá đó là do SNP mạnh dạn thực hiện mô hình liên doanh cảng cùng với các đối tác nước ngoài. Trước tiên, SNP đầu tư các công trình hạ tầng cảng, bến bãi, cầu, kho…, sau đó cho các nhà khai thác cảng thuê lại. Sự kết hợp này đã mang lại nhiều thành công và lợi nhuận cho cả hai phía. Năm 2014, cảng TCIT thuê lại hạ tầng của Tân cảng để tăng chiều dài cảng lên 890m, với 9 cẩu bờ. Nhờ đó mà số lượng tàu lớn với chiều dài trên 360m, trọng tải hơn 100.000 tấn vào cảng TCIT ngày càng tăng. 

Với khả năng đáp ứng được nhu cầu cao của các doanh nghiệp, sản lượng xếp dỡ của TCIT trong hai tháng đầu năm 2019 đã tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, với sản lượng xếp dỡ sà lan lớn, cảng TCIT đóng vai trò kết nối với các cảng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo mạng lưới logistics toàn diện giúp khách hàng tối ưu hóa trong quá trình vận chuyển hàng hóa, xuất khẩu nông sản. Cảng TCIT hiện đang tiếp nhận các tàu feeder trung chuyển hàng hóa từ Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn để kết nối trực tiếp lên tàu mẹ đi Hoa Kỳ và châu Âu.

Đại tá Trần Khánh Hoàng, Phó tổng giám đốc SNP kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị TCIT, cho biết: “Năm 2019 sẽ là một năm tiếp tục phát triển và khởi sắc của các cảng container tại khu vực Cái Mép-Thị Vải. Riêng cảng TCIT sẽ tiếp tục khai thác 10 tuyến dịch vụ hằng tuần, trong đó có 7 tuyến đến khu vực Bắc Mỹ, một tuyến đến châu Âu và hai tuyến nội Á do 3 liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới triển khai tại cảng, bao gồm liên minh THE, OCEAN và 2M+ HMM. Trong đó có 3 tuyến dịch vụ có sức chở lên tới 14.000 TEU”. Ngày 13-2-2019, cảng vừa thiết lập kỷ lục xếp dỡ mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam, với năng suất xếp dỡ 207,36 container/giờ khi làm hàng cho tàu EXPRESS BERLIN, thuộc tuyến dịch vụ FE5 (tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam-châu Âu), vượt qua kỷ lục trước đó là 197,71 container/giờ được thiết lập vào tháng 4-2013.

Cùng hợp tác và phát triển cảng TCIT, đại diện phía Nhật Bản (công ty liên doanh), ông Akira Kurita, Tổng giám đốc cảng TCIT chia sẻ: “Lựa chọn SNP để liên doanh là một quyết định đúng đắn của chúng tôi. Nhờ đó mà các hãng tàu lớn của chúng tôi có cơ hội để phát huy hết năng lực khai thác container của mình”.

Thời gian gần đây, TCIT đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc nâng cao năng suất xếp dỡ, giải đáp các khó khăn thắc mắc của khách hàng, đơn giản hóa thủ tục thông quan, đẩy mạnh công tác vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy từ TCIT về TP Hồ Chí Minh với chính sách hỗ trợ tối đa khách hàng về chi phí. Thời gian tới, TCIT sẽ triển khai chương trình ứng dụng phần mềm E-port và EDO nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các khách hàng tới giao nhận trực tiếp tại cảng và phát triển mô hình cảng thông minh; tiếp tục khẳng định vị thế cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, trở thành cảng cửa ngõ quốc tế và trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.

Bài và ảnh: LÊ CÚC