Theo thống kê của công an thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận 9 vụ vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến TDĐ. Lực lượng chức năng đã khởi tố 8 vụ với 17 bị can. Các hành vi phát sinh từ TDĐ như: Gây rối trật tự công cộng, đe dọa, xiết nợ, ném chất bẩn vào nhà… xảy ra hơn 200 vụ. Công an thành phố đã lên danh sách gần 1.000 đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay nặng lãi. Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, TDĐ thực chất là hoạt động cho vay vi phạm lãi suất quy định. Các đối tượng hoạt động theo hình thức cho vay trá hình, liên kết với nhau để ép nợ người khác. Nhiều tổ chức TDĐ còn tung lực lượng dán quảng cáo trên cột điện, bờ tường, nơi công cộng; lập trang web để dụ dỗ những người cả tin… Từ các quảng cáo rầm rộ này, không ít người “dính câu”, dẫn đến nợ nần chồng chất, mất khả năng thanh toán.

leftcenterrightdel
Tang vật thu được từ vụ triệt phá một tổ chức tín dụng đen trên địa bàn quận Tân Phú. Ảnh Công an quận Tân Phú cung cấp.

Thực tế cho thấy, hoạt động TDĐ đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội trên địa bàn thành phố; gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân. Nhiều vụ đánh đập, bắt giữ người trái phép, cưỡng đoạt tài sản đã xảy ra ở một vài quận, huyện, nhất là tình trạng khủng bố tinh thần con nợ, gây hoang mang trong dư luận. Công an thành phố đã khám phá nhiều vụ, bắt nhiều đối tượng liên quan đến TDĐ và tuyên truyền trong nhân dân nhưng không ít người vẫn vay tiền để rồi gánh chịu hậu quả nặng nề.

Trước thực trạng hoạt động TDĐ hiện nay, công an thành phố chủ trương kiên quyết ngăn chặn, rà soát chặt chẽ để phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TDĐ; đồng thời xây dựng, triển khai đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an phường, xã, nhấn mạnh việc quản lý chặt chẽ nhân khẩu tạm trú tại địa phương để phát hiện sớm các đối tượng khả nghi. Các phòng chức năng tăng cường kiểm tra công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay… Tuy nhiên, nếu chỉ riêng ngành công an vào cuộc thì việc ngăn chặn TDĐ khó thành công. Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trách nhiệm đấu tranh trước hết của ngành công an, nhưng để phát hiện, đấu tranh hiệu quả rất cần sự hợp tác của người bị hại liên quan đến TDĐ trong việc khai báo, cung cấp thông tin. Cùng với đó là vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, giúp công an kịp thời triệt phá các băng nhóm tội phạm không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Bài và ảnh: YẾN LONG