Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để đạt được kết quả trên, một trong những kinh nghiệm là đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, phong trào thực sự trở thành động lực của mọi tổ chức, cá nhân, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo.
Vừa qua, các địa phương luôn đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, khơi dậy ý thức tự lực tự cường, nỗ lực vượt khó của các hộ nghèo, thay đổi ý thức trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chính quyền các cấp hoặc tư tưởng tự ti. Các cấp ủy rà soát đánh giá, phân loại chính xác hộ nghèo. UBND các quận, huyện giúp người nghèo vay vốn từ: Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án... nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Thành phố quan tâm vận động các doanh nghiệp, mọi người dân, nhất là các hộ khá tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp trực tiếp người nghèo, hộ cận nghèo về vốn, việc làm, phương tiện sinh kế, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... Các ban, ngành, địa phương tổ chức tốt các lớp tập huấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân, người nghèo. Năm 2020, thành phố đã giới thiệu việc làm cho hơn 306.000 người, tạo thêm hơn 136.000 vị trí việc làm mới.
    |
 |
Mô hình nuôi bò sữa thoát nghèo tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. |
Thời gian qua, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực xã hội, mọi thành phần kinh tế chung tay hỗ trợ người nghèo bằng nhiều chương trình, phong trào, kế hoạch cụ thể. Các quận, huyện đều gắn chương trình, kế hoạch giảm nghèo với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Các ban, ngành luôn định hướng người dân sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật; ngăn ngừa, phòng, chống biểu hiện tiêu cực, tệ nạn, làm giàu bất chính. Thành phố quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thương, dịch vụ, y tế, việc làm, đồng thời tích cực hỗ trợ sửa chữa, xây nhà tặng người nghèo và hỗ trợ đầu tư giáo dục, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các nguồn lực thuận lợi, không để người dân không có chỗ ở, thiếu đói, bệnh tật không được khám bệnh. Nhiều phong trào thi đua hiệu quả, được mọi người đồng tình là: “Đảng viên giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo”; “Ngày tiết kiệm phụ nữ nghèo”; “Mỗi khu phố nhận hỗ trợ một hộ nghèo”; “Người có giúp người khó”... Qua đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng, như: Nuôi bò sữa, trồng hoa lan, cây cảnh. Ví dụ như thương binh Nguyễn Văn Cu Em, ngụ ở huyện Củ Chi. Từ vốn vay ưu đãi của huyện, anh đã quyết định chuyển gần 2ha đất trồng lúa, hoa màu năng suất thấp sang trồng hoa lan, cây kiểng. Trừ chi phí, mỗi tháng, anh thu lãi gần 20 triệu đồng...
Theo ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú ý phát huy vai trò các tổ, ban thi đua, đội ngũ cán bộ, đảng viên sâu sát hỗ trợ người nghèo, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay. Định kỳ, địa phương tổ chức gặp mặt, tuyên dương các điển hình, qua đó khơi dậy truyền thống thương thân, tương ái, năng động sáng tạo của người dân, tạo sức thi đua lan tỏa sâu rộng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.
Bài và ảnh: PHÚC NGUYỄN