- Phóng viên (PV): Xin ông cho biết sự phát triển của mô hình hợp tác xã Co.opmart có đặc thù như thế nào?
- Ông Nguyễn Anh Đức: Từ tháng 4-2021, chúng tôi bắt đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm mô hình bán lẻ Co.opmart. Khởi đầu của mô hình này là siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh đi vào hoạt động vào năm 1996 tại TP Hồ Chí Minh, và đến nay, Saigon Co.op đã phát triển thành công 128 siêu thị Co.opmart phân bố tại gần 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Co.opmart trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng Việt Nam nhờ chính sách hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, hệ thống Co.opmart còn có vai trò điều tiết giá cả thị trường quan trọng thông qua việc trở thành hệ thống phân phối hiệu quả 9 nhóm hàng bình ổn giá. Riêng tại thị trường TP Hồ Chí Minh trong năm 2020 vừa qua, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm hơn 45% thị phần ở kênh siêu thị. Trong 25 năm qua, hệ thống siêu thị Co.opmart luôn tự hào là hệ thống siêu thị đóng góp cho cộng đồng xã hội nhiều nhất, đúng bản chất của một tổ chức hợp tác xã luôn đặt lợi ích cộng đồng là ưu tiên hàng đầu.
    |
 |
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op. |
Cùng với đó, đối với các đơn vị sản xuất trong nước, Co.opmart là sự gắn kết, đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt thông qua chính sách ưu tiên hàng Việt. Với cộng đồng, Co.opmart chinh phục người tiêu dùng bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực như bán hàng lưu động đến những vùng sâu, vùng xa, khu lưu trú công nhân, cùng các hoạt động hiến máu nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, tiêu dùng xanh, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của người nông dân… Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Saigon Co.op nói chung, Co.opmart nói riêng đã có nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ người tiêu dùng, đồng hành cùng chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch, chăm lo cuộc sống người dân, người thực hiện cách ly và phục vụ cách ly. Theo dòng thời gian, thương hiệu Co.opmart đã trở thành hình mẫu tiêu biểu cho hệ thống phân phối hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá, tiêu dùng hiện đại và là hệ thống tiêu thụ hàng Việt, hàng hóa địa phương hiệu quả.
    |
 |
Hệ thống Co.opmart luôn nêu cao công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
- PV: Như vậy, yếu tố dẫn đến thành công của hệ thống Co.opmart là gì, thưa ông?
- Ông Nguyễn Anh Đức: Mặc dù là kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác xã, nhưng hệ thống Co.opmart được Saigon Co.op vận hành linh hoạt và năng động theo yêu cầu của kinh tế thị trường trên nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu thị trường, lấy người tiêu dùng là trọng tâm. Việc cập nhật liên tục các xu hướng bán lẻ quốc tế, hiện đại hóa không gian mua sắm và chuyên nghiệp hóa dịch vụ khách hàng, cũng như tích cực tham gia công tác xã hội, bảo vệ môi trường, là cầu nối kết nối tiêu thụ hàng Việt từ nông thôn đến đô thị đã giúp Co.opmart thu hẹp khoảng cách với bán lẻ quốc tế và trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu Việt Nam được người tiêu dùng cùng các nhà sản xuất trong nước đón nhận.
Bên cạnh đó, xác định người tiêu dùng là quyết định đến sự phát triển của hệ thống nên hàng hóa tại siêu thị Co.opmart luôn bảo đảm “chữ tín”. Hàng hóa tại đây luôn có xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm và sẵn sàng chia sẻ với đối tác, khách hàng khi thị trường có biến động theo phương châm “Siêu thị Việt vì người Việt”. Trong 25 năm qua, bên cạnh quy trình kiểm soát chặt chẽ khép kín, hệ thống siêu thị Co.opmart luôn là một trong những nhà bán lẻ hiện đại có chi phí kiểm định chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thuộc hàng cao nhất Việt Nam. Mới đây, Co.opmart là siêu thị đầu tiên công bố nâng tiêu chuẩn hàng hóa đầu vào tiệm cận với tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời tăng cường hàng hóa theo hướng hữu cơ và đạt chuẩn hữu cơ, để tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn bữa ăn cho các gia đình Việt Nam. Động thái này được cả người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, bởi người dùng được thụ hưởng sản phẩm tốt, doanh nghiệp được nâng cao uy tín và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.
    |
 |
Mô hình bán lẻ Co.opmart trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng. |
- PV: Là siêu thị thuần Việt vì người Việt, những định hướng cơ bản nào để giữ vững, phát huy uy tín, thương hiệu của Co.opmart?
- Ông Nguyễn Anh Đức: Tuy chịu áp lực lớn từ các thương hiệu bán lẻ của thế giới đang lần lượt có mặt tại Việt Nam nhưng Co.opmart vẫn kiên định bản chất, tính nhân văn của một tổ chức hợp tác xã để phát triển. Saigon Co.op đang phấn đấu mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán lẻ hiện đại vào năm 2025 trên cả nước, trong đó có tăng số lượng của Co.opmart. Ngoài ra, những mô hình bán lẻ “anh em” của Co.opmart như: Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife… cũng liên tục “chào sân” giúp thương hiệu bán lẻ Việt của Saigon Co.op vẫn trụ vững vị trí nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam. Đạt cột mốc 25 năm hình thành và phát triển, Co.opmart tiếp tục cuộc hành trình vươn tới tầm cao mới, phù hợp với sự chuyển động của nền kinh tế tri thức, đủ sức duy trì ưu thế cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế. Co.opmart sẽ triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa để tri ân khách hàng, đối tác, vừa tạo sức lan tỏa gắn kết, sức bật mới cho ngành bán lẻ lẫn sản xuất trong nước trước ngưỡng cửa hội nhập.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
HÙNG KHOA (thực hiện)