Tính đến cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh có 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc và các không gian ĐMST, kết nối khoảng 50 tổ chức khởi nghiệp sáng tạo với hàng trăm chuyên gia trên địa bàn. Thông qua các cơ sở này, thành phố đã hỗ trợ, phát triển nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ hoạt động ươm tạo, bước đầu đóng góp hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học kỹ thuật... Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, sở đã triển khai nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN khởi nghiệp; trong đó thành phố đẩy mạnh kết nối để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vì sự phát triển chung của thành phố".
    |
 |
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. |
Từ sự tham mưu của các sở, ngành, UBND thành phố đã ban hành nhiều chính sách để hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp; chỉ đạo hỗ trợ kinh phí, phát triển hạ tầng, hoàn thiện cơ chế để tiếp sức, tạo ra nguồn lực bổ sung và kết nối với cộng đồng... Gần đây, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2020-2025. Thực hiện kế hoạch này, DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố... Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC): Từ chủ trương của thành phố, công ty đã thành lập “Vườn ươm doanh nghiệp Quang Trung” nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN vừa và nhỏ, nhất là lĩnh vực phần mềm; thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm thành ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển bền vững và tăng trưởng cao về kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, xây dựng thương hiệu công nghệ thông tin quốc gia. “Vườm ươm doanh nghiệp Quang Trung” đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ đa dạng lĩnh vực, dự án, đào tạo và kết nối để tăng tỷ lệ các DN trẻ, DN khởi nghiệp có khả năng tồn tại và thành công trong cộng đồng.
Ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thành phố và các ban, ngành cũng tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp để mở rộng môi trường hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ĐMST cho các cá nhân, tổ chức; phát huy vai trò của các đơn vị nghiên cứu KH-CN kết nối với DN nhằm xây dựng chương trình nghiên cứu phát triển gắn với thương mại hóa hướng đến sản phẩm mục tiêu cụ thể. Theo PGS, TS Lê Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh: Căn cứ hướng dẫn của Sở KH-CN thành phố, nhà trường đã ký kết hợp tác với một số công ty, đơn vị để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, hoàn thiện ý tưởng ĐMST. Vừa qua, nhà trường đã ký kết với Công ty Cổ phần Bibica, Công ty TNHH Khoa học Dinh dưỡng Orgalife nghiên cứu phát triển sản phẩm “Thực phẩm ăn kiêng dành cho người tiểu đường và thực phẩm ăn dặm”; Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ của nhà trường tổ chức hội thảo với chủ đề: “Chuyển đổi số và kết nối tăng tốc khởi nghiệp”... Những hoạt động này thiết thực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo không chỉ với sinh viên mà còn trao cơ hội cho những ai có ý chí vươn lên khởi nghiệp để phát triển...
Để góp phần quan trọng thực hiện đề án hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST quốc gia đến năm 2025 và đẩy mạnh hiệu quả khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, thành phố đã khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo phục vụ cung cấp dịch vụ về cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp và ĐMST; bảo đảm thuận lợi tiếp cận các chính sách mới về đầu tư, khởi nghiệp; đồng thời gắn kết bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa DN với trường đại học-viện nghiên cứu, nhà nước, tổ chức tài chính để hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp... Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo được xem là nền tảng hình thành trung tâm chuyển đổi số của thành phố trong tương lai.
Hiện tại, Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh đang tích cực hoàn thiện đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, giai đoạn 2021-2025. Đề án tập trung vào các nội dung: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ở các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công... Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Từ kết quả thực tiễn khởi nghiệp, ĐMST khẳng định thành phố là điểm sáng về khởi nghiệp. Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của các trung tâm, vườn ươm công nghệ, quỹ đầu tư khởi nghiệp... để mọi cá nhân, DN đều có thể cống hiến và sáng tạo, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng thành phố ngày càng phát triển...
Bài và ảnh: NGỌC HẢI