Câu chuyện về anh Nguyễn Phước Thiện, sinh năm 1973, ở phường 1, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) bị mù cả hai mắt từ năm lên 10 tuổi, nhưng vẫn giành được tấm bằng cử nhân Anh văn loại xuất sắc, rồi mở lớp dạy tiếng Anh cho học sinh, sinh viên để báo hiếu mẹ, khiến nhiều người cảm động.

leftcenterrightdel
Quận 11 (TP Hồ Chí Minh) tuyên dương “Người con hiếu thảo” giai đoạn 2017-2019.

Ngày Thiện bị mù, hai mẹ con dắt díu nhau đi gõ cửa nhiều trường để xin vào học nhưng không được nhận. Buồn tủi, Thiện vẫn không nản chí, tiếp tục cùng mẹ tới những nơi khác nộp đơn xin học. Cuối cùng, thầy hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cũng đồng ý cho Thiện nhập học, với điều kiện phải cam kết “không được đòi hỏi bất cứ sự ưu đãi nào”. Nhớ lại những ngày đó, anh Thiện không khỏi bùi ngùi: “Để theo kịp bạn bè, tôi phải học ngày, học đêm, các bạn học một tôi phải học mười. Thời gian đó, mẹ tôi phải “thắt lưng buộc bụng”, quần quật làm lụng suốt ngày để có tiền cho tôi ăn học. Công lao của mẹ như trời biển, nâng bước tôi khôn lớn mỗi ngày”.

Thành tích học tiếng Anh xuất sắc đã giúp Thiện thực hiện ước mơ kiếm tiền đỡ đần mẹ. Gần 20 năm qua, anh đã làm được điều đó, ngày ngày dạy học trò và chăm sóc mẹ khi tuổi cao, sức yếu, không để mẹ làm lụng bất cứ việc gì. Anh đã được chính quyền địa phương nhiều năm liền tuyên dương “Người con hiếu thảo”.

Ở quận 11 cũng có những tấm gương điển hình như: Chị Nguyễn Thị Kim (phường 6), chị Huỳnh Cẩm Hồng (phường 15) và em Khưu Phú Hải (phường 16)... Họ đều là những tấm gương về nghị lực phi thường, vượt qua khó khăn, làm tròn trách nhiệm báo hiếu song thân, sống nghĩa tình với cộng đồng. Các tấm gương ở quận Phú Nhuận, gồm: Lê Nguyễn Đoan Trang (phường 12), Tăng Trường Thanh Vân (phường 17)… cũng để lại ấn tượng đẹp, bởi đạo hiếu và sự hy sinh tình cảm riêng tư để báo đáp công lao cha mẹ, góp phần phát huy những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Phong trào “Người con hiếu thảo” nhằm phát hiện và tuyên dương các gương điển hình sống có lý tưởng, hướng thiện, có những việc làm thiết thực, giúp ích cho gia đình và xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng lối sống đẹp trong phụ nữ và thanh niên, thiếu nhi, người lao động trên địa bàn.

Hơn 20 năm qua, Phong trào “Người con hiếu thảo” mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp đã có sức lan tỏa đến tận khu phố, tổ dân cư, đoàn thể địa phương, phát huy cuộc vận động giáo dục 8 phẩm chất của người thanh niên “Yêu nước, hiếu thảo, kính thầy, thương người, hiếu học, trung thực, kỷ luật, tiết kiệm”. Cứ hai năm một lần, các quận, huyện toàn thành phố lại tổ chức bình chọn, tuyên dương “Người con hiếu thảo”, đề nghị khen thưởng cấp thành phố. Với hàng nghìn tấm gương đã được tuyên dương, Phong trào “Người con hiếu thảo” ngày một phát triển, trở thành tự giác, góp phần giữ gìn nền tảng đạo đức, gia phong, xây dựng gia đình văn hóa, làm đẹp cho thành phố mang tên Bác kính yêu.

Bài và ảnh: TRẦN THỦY