Ngày 18-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định ban hành quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến đã chỉ ra những vấn đề tồn tại hiện nay và đưa ra các giải pháp xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý này. Từ đó, tìm ra những giải pháp mới và lời giải cho tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở thành phố.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh giới thiệu: Dự thảo quyết định mới có 7 chương, 23 điều, nhằm quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố hiệu quả, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Dự thảo cũng quy định một số giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè, khu vực có công trình dân dụng đang thi công... Theo dự thảo: Nếu muốn sử dụng tạm một phần vỉa hè thì mọi hoạt động phải bảo đảm chiều rộng chừa lại tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Đối với những tuyến sử dụng tạm một phần lòng đường cũng phải chừa lại tối thiểu đủ bố trí hai làn ôtô cho một chiều lưu thông... Tất cả hoạt động sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè phải đóng phí theo quy định (bao gồm cả việc tổ chức các hoạt động văn hóa; điểm giữ xe có thu phí; trung chuyển vật liệu, phế thải cùng hoạt động kinh doanh; mua bán hàng hóa; tổ chức đám cưới, đám tang... và phải được cấp giấy phép).

leftcenterrightdel
Vỉa hè thông thoáng trên đường Lê Duẩn (quận 1).

Để thực hiện tốt các giải pháp đề ra, trước tiên phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong khâu quản lý. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: "Hiện nay, không phải tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu cũng được cấp phép sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Nhiều trường hợp chỉ cần chi trả các khoản “lệ phí ngoài” để mua được vị trí vỉa hè làm khu để xe cho khách hàng, hay tình trạng “bảo kê” đã thành "lệ" mà bất cứ hộ kinh doanh nào cũng phải tuân theo. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, cần công khai, minh bạch trong quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và chính quyền cấp quận, huyện. Buổi tối, khi di chuyển qua đường Hoàng Minh Giám, Đặng Văn Sâm sẽ dễ dàng gặp hiện trạng này. Ở đây như một khu chợ tự phát tập trung tất cả xe đẩy, hàng gánh bán thức uống, đồ ăn lộn xộn trên vỉa hè, gây mất hình ảnh mỹ quan đô thị. Hay khi đêm muộn, hai bên đại lộ Phạm Văn Đồng (qua địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh) nhiều quán nhậu sắp bàn ghế lấn chiếm hết vỉa hè.

Vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè rất quan trọng với người dân, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán hàng rong. Hoạt động diễn ra trên vỉa hè là sản phẩm của lịch sử, là thói quen sinh hoạt, cuộc sống của người dân, thể hiện văn hóa, lối sống cộng đồng của người Việt. Vì vậy, nghiên cứu ban hành quyết định cần có cách tiếp cận khoa học, đa chiều, trong đó quan tâm đến ý kiến của cộng đồng dân cư, nhóm người dân sử dụng vỉa hè, để tạo tính khả thi sau khi ban hành quyết định là điều quan tâm hàng đầu. TS Trịnh Văn Chính, Trưởng bộ môn Quy hoạch Giao thông Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất, nên cấp phép cho người buôn bán hàng rong, trên cơ sở quy hoạch lại các khu vực và thời gian hoạt động rõ ràng. Việc này sẽ giúp người dân yên tâm, trách nhiệm hơn và bảo đảm vệ sinh, mỹ quan đô thị.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm và vai trò quản lý ở các cấp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nói, sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo. Ông Lâm cũng cho biết: “Dự thảo mới này sẽ thay thế cho Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh năm 2008. Qua 12 năm thực hiện, đến nay nhiều nội dung của quyết định trên không còn phù hợp. Quá trình biên soạn dự thảo mới có sự tham vấn của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, ý kiến đóng góp của người dân, trong đó đã tính toán đến ảnh hưởng đối với an toàn giao thông đô thị, đặc biệt là vấn đề bảo đảm không gian giao thông tiếp cận hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Từ đó hoàn thiện, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vốn đã tồn tại từ rất lâu".

Sau nhiều tháng quyết liệt cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng quán ăn uống và nhiều loại dịch vụ khác cũng dần nhộn nhịp trở lại. Vì thế, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cùng với dự thảo mới, các cơ quan chức năng cần sớm tìm ra lời giải cho vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lập lại trật tự, thực hiện tốt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, hướng đến xây dựng “TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình” trong thời gian tới.

Bài và ảnh: LÊ CÚC