Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Do dịch Covid-19, kinh tế TP Hồ Chí Minh nói chung và cộng đồng DN nói riêng đã và đang bị ảnh hưởng lớn. Từ đầu năm 2021 đến nay, có hơn 1.360 DN trên địa bàn báo cáo gặp khó khăn với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc, hơn 400 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Cùng với đó, hơn 9.300 DN đã tạm ngừng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ năm trước), hơn 2.270 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, các DN đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 như: Thiếu vốn kinh doanh, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng, bị hạn chế hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch... Nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh thương mại điện tử nhưng đang gặp vướng mắc lớn về vốn.

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất bảo đảm yếu tố phòng, chống dịch tại Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy, hải sản Sài Gòn. 

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh thông tin: “Tác động của dịch Covid-19 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng của ngành lương thực, thực phẩm bị đứt gãy. Giá nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng cao. Ngoài ra, các DN trong ngành đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2-3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường. Vì thế ngành không thể tăng giá bán trong thời điểm cả thành phố đang chung sức chống dịch”.

Theo các DN, một số vướng mắc cần được tháo gỡ như việc thực hiện gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất đã được thực thi nhưng chưa có tác động rõ nét, mức độ hồi phục của DN còn thấp. Một số chính sách về giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất... đối với DN tuy giúp DN giảm bớt khó khăn nhưng thời gian áp dụng còn ngắn, số lượng không nhiều nên chưa tạo động lực để DN vực dậy mạnh mẽ.

Khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Để hỗ trợ DN trước tác động của dịch Covid-19, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thông tin rằng, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương, hỗ trợ DN chuyển đổi số và hỗ trợ giảm chi phí cho DN, chăm lo cho đời sống người lao động như giảm giá điện, nước. Thành phố cũng có một số chính sách hỗ trợ như: Cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong DN, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương... Thành phố đã kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT (giá trị gia tăng) từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ, gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành. Các ngân hàng cần tiếp tục xem xét thêm những điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi thấp hơn giúp cho DN sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số DN cũng mong muốn các cấp cần có kế hoạch và lộ trình thật cụ thể tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động trong DN với thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời, thành phố cần có gói hỗ trợ riêng mang tính đặc thù cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN. Thành phố có thể hỗ trợ các DN bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm...

Thông qua các buổi làm việc, hội nghị gặp gỡ với DN, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã khẳng định sẽ tập hợp những khó khăn, kiến nghị của cộng đồng DN để hoàn thiện phương án triển khai gói hỗ trợ, bao gồm về tài chính và chính sách, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép”. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố, sẽ tập hợp và kiến nghị lên các bộ, ngành, Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đã nhấn mạnh: “Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn đồng hành cùng DN, tổ chức và người lao động trong đại dịch Covid-19. Các sở ngành, địa phương của thành phố sẽ triển khai khẩn trương, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, không để bất cứ DN nào chịu thiệt thòi vì sự chậm trễ của cơ quan chính quyền”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG