Từ địa đạo, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, LLVT quận đã không ngừng lớn mạnh. Quân-dân Tân Phú kiên cường bám trụ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm trang sử của LLVT thành phố.   

Trước đây, xã Phú Thọ Hòa (nay là phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) là khu đất cao, cây cối rậm rạp, nhân dân giàu truyền thống cách mạng. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đầu năm 1947, cấp ủy xã Phú Thọ Hòa tuyển chọn được 16 người để đào địa đạo, với ba điều kiện: Tuyệt đối trung thành với cách mạng; tuyết đối giữ bí mật; tích cực tham gia đào địa đạo. Mọi người tham gia đều lấy họ mới là Cù. Theo đó, họ Cù có ý nghĩa là chăm chỉ, miệt mài như con Cù Long đào hang dưới đất. Mỗi tổ hai người, các tổ luân phiên đào từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Đất đào được bí mật đổ xuống khu ruộng thấp, vun thành những luống trồng khoai, sắn… để che mắt địch. Đơn vị còn huy động nhân dân đào thêm hầm hình chữ L, làm đường giao thông công khai và đổ đất chỗ này lẫn với chỗ khác để tránh sự chú ý, phát hiện của địch. Bằng cách đó, quân-dân Phú Thọ Hòa đã đào được địa đạo dài hơn 600m.

leftcenterrightdel

Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

Khi bị địch đánh phá, kìm kẹp, quân- dân xã đã lập ra “Chợ kháng chiến”, sử dụng tiền cách mạng trao đổi mua, bán. Chợ họp nhằm cô lập, bao vây kinh tế địch, tiêu thụ hàng hóa tại chỗ và cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân, qua đó tuyên truyền đường lối của Đảng sâu rộng, tạo nên nhiều phong trào cách mạng. Điển hình như, các hội phụ nữ, Hội Mẹ chiến sĩ tích cực hoạt động làm nòng cốt cho địa phương vận động nhân dân đóng góp tiền, thuốc men, thực phẩm ủng hộ kháng chiến với các hình thức: “Hũ gạo nuôi quân”; “Con gà kháng chiến”; “Tuần lễ vàng”… Địa đạo Phú Thọ Hòa không chỉ là căn cứ cách mạng mà còn là nơi tập kết, ém quân, tạo bàn đạp để các LLVT xuất kích đánh địch giành thắng lợi. Mùa thu năm 1947, dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân Phú Thọ Hòa đã phối hợp với các lực lượng chặn đánh, làm thiệt hại nặng hai tiểu đoàn Âu Phi có 5 xe tăng càn quét vào địa bàn. Ông Nguyễn Chí Phương, 75 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn Nhì (nay là phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), giai đoạn 1965-1970, kể: “Từ kinh nghiệm chiến đấu vùng địa đạo, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuối tháng 12-1965, tôi cùng 6 đồng đội đã bí mật đào hầm tại xã Tân Sơn Nhì, nơi địch thường tuần tra bình định. Với trang bị thô sơ, đợi tốp địch đến gần, chúng tôi bất ngờ từ dưới hầm xông lên đánh thẳng vào đội hình địch, tiêu diệt tại chỗ 12 tên, thu 12 khẩu súng”.

Ghi nhận giá trị của địa đạo Phú Thọ Hòa, năm 1996, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Những năm qua, chính quyền quận luôn quan tâm trùng tu, tôn tạo để nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: ĐẶNG VĂN LƯỢC