Đã gần hết quý I năm 2021, nhưng nhiều dự án giao thông trọng điểm ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành theo kế hoạch. Có dự án vướng do khó giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường giải tỏa; có dự án chậm do thiếu vốn... Điển hình như dự án cầu Thủ Thiêm 2, mặc dù đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, nhưng phải ngừng thi công từ nhiều tháng nay do chưa thể bàn giao mặt bằng và thiếu vốn đầu tư. Hay, các dự án xây dựng cầu: Tăng Long, Nam Lý, Long Kiểng... cũng trễ tiến độ do vướng GPMB. UBND thành phố và các ngành chức năng vẫn đang nỗ lực gỡ vướng với quyết tâm thực hiện những dự án giao thông trọng điểm kịp tiến độ trong năm 2021. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hằng năm, thành phố phải thực hiện rất nhiều công trình hạ tầng. Trong số đó, các dự án giao thông bị vướng cả về nguồn vốn, cơ chế, thủ tục hành chính, tiến độ đầu tư... Nếu chỉ sử dụng vốn ngân sách thì không thể bảo đảm được, mà kêu gọi vốn tư nhân thì còn nhiều trở ngại do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Bởi vậy, thời gian qua có nhiều dự án HTGT chậm tiến độ, phải chuyển sang năm 2021 tiếp tục thực hiện.
    |
 |
Cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành sẽ là một trong những công trình trọng điểm phát triển giao thông TP Hồ Chí Minh. |
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, ngoài 45 dự án, gói thầu sẽ được ưu tiên triển khai năm 2021, ngành giao thông sẽ tập trung phát triển các dự án giao thông mới, trình phê duyệt và điều chỉnh 40 dự án, khởi công 17 gói thầu, dự án khác. Nhiều dự án mang tính chiến lược, góp phần làm thay đổi cục diện giao thông TP Hồ Chí Minh như: Đường vành đai 2, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), cầu Thủ Thiêm 2, Quốc lộ 22, xây dựng cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ)...
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải giải tỏa, bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công, đồng thời bố trí vốn đầy đủ để dự án triển khai thông suốt. Trước thực tế này, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện có liên quan về công tác bồi thường GPMB đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công, hoàn thành công trình, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án. Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT thành phố: Mặc dù thiếu vốn, nhưng vẫn có tình trạng một số cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đăng ký vốn chưa sát với thực tế. Số vốn đăng ký vượt khả năng thực hiện và giải ngân của dự án, phải đề xuất điều chỉnh giảm vốn để đạt tỷ lệ giải ngân. Sở đã kiến nghị tiếp tục có cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các công trình giao thông,
Mới đây, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển kết cấu HTGT trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Theo đó, thành phố đề ra các giải pháp mang tính đột phá và xây dựng lộ trình nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu HTGT hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để thực hiện đề án này, Sở GTVT sẽ tập trung chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm kết nối liên vùng, kết nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển... Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm nhấn mạnh: "Vấn đề GPMB cần được rút ngắn với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Sở đã chủ động đề xuất thành phố thành lập tổ công tác chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và GPMB, có sự tham gia của lãnh đạo thành phố và các đơn vị, địa phương liên quan để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch".
Cùng với đó, thành phố khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo Sở GTVT tăng cường giám sát, quản lý, điều hành giao thông và phát hiện các sự cố giao thông... Theo ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Trong năm 2021, ngành GTVT cần tập trung giải quyết các vấn đề giao thông nội đô, đầu tư xây dựng các công trình phát triển hạ tầng có kết nối vùng, liên vùng và địa phương, liên kết các phương thức vận tải tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, ngành cần chú trọng bảo trì, khai thác triệt để năng lực kết cấu HTGT hiện có, tham mưu đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá để từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong toàn thành phố.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG - LÊ BÌNH