Mới đây, dự án “X-ray reporter” về y tế cộng đồng của sinh viên Lê Văn Pôn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh đã lọt vào top 20 dự án trong Cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng AI TP Hồ Chí Minh 2020” do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP Hồ Chí Minh phối hợp các cơ quan, ban, ngành, trường đại học tổ chức. Dự án “X-ray reporter” là giải pháp ứng dụng AI hỗ trợ y, bác sĩ đọc, phân tích kết quả chụp phim X quang, nâng cao hiệu quả, tăng độ chính xác... và được thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng để hoàn thiện.

leftcenterrightdel
Các doanh nhân, nhà khoa học tham quan triển lãm khoa học-công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, kỹ sư Trần Duy Phong, Công ty TNHH Tép Bạc (quận 3, TP Hồ Chí Minh) và các đồng nghiệp đang thử nghiệm dự án “Ứng dụng AI vào nuôi trồng thủy sản” tại một số địa phương. Bằng điện thoại thông minh, người nuôi trồng thủy sản nắm được tình hình dịch bệnh, xác định biện pháp phòng ngừa bệnh từ sớm thông qua các thiết bị môi trường cập nhật 5 phút/lần, kịp thời cảnh báo và cùng lúc có thể quản lý nhiều khu nuôi thủy sản.

Trên đây là vài dự án cụ thể trong Cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng AI TP Hồ Chí Minh 2020”. Với tầm nhìn đến năm 2030, thành phố tập trung nghiên cứu, phát triển AI trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức về giao thông, thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường...

Vừa qua, TP Hồ Chí Minh tập trung vào 3 mũi nhọn chính: Ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; huy động sự đóng góp, hiến kế của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Sở KHCN thành phố phối hợp các trường đại học tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên sâu về: Phương pháp hình thành, phát triển ý tưởng sản phẩm AI; kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và các giai đoạn phát triển; mô hình kinh doanh, giải pháp phát triển; đặc thù nguồn lực AI; quy trình hoàn thiện, gọi vốn đầu tư dự án... Các ban, ngành, doanh nghiệp tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu để ươm tạo, ứng dụng AI. 

Thời gian qua, thành phố quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chỉ đạo các trường đại học mở chuyên ngành AI, gắn giáo dục, đào tạo với nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm hỗ trợ cộng đồng. Các cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ khoa học phù hợp năng lực, sở trường, đặc thù nhiệm vụ. Thành phố rà soát, phát huy vai trò các khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung xây dựng 30 cơ sở ươm tạo trên diện tích hơn 25.600m2 với sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của hơn 500 giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học. 

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN thành phố, sở đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố xây dựng đề án, chương trình, cơ chế, chính sách, thị trường công nghệ, ưu tiên nghiên cứu, phát triển AI, xây dựng hạ tầng dữ liệu mạnh, gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI, phát triển nội lực, tiềm lực KHCN. Đối với các dự án triển vọng, thành phố có thể hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.

Kết quả trong giai đoạn 2016-2019, thành phố đã tổ chức 60 cuộc thi thu hút hơn 3.000 tập thể, cá nhân tham gia nghiên cứu, đăng ký hơn 3.000 dự án. Thành phố lựa chọn được hơn 200 dự án chất lượng; qua đó góp phần nâng tỷ lệ ứng dụng KHCN vào thực tiễn đạt 89,5%, năng suất lao động tăng bình quân 6,2%/năm; giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khó khăn của thành phố.

Bài và ảnh: DUY HIỂN