Bên cạnh đó, các “điểm nóng” trữ hàng hóa gian lận thương mại không chỉ nằm ở các địa chỉ buôn bán nhỏ lẻ mà còn ở những mặt bằng, kho chứa của những doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, hàng hóa được chủ hàng ủy thác cho doanh nghiệp vận tải, nên khi bị phát hiện sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong tìm kiếm chủ sở hữu.
    |
 |
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý một vụ hàng giả tại quận 6, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THẾ VĨNH |
Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra hơn 9.000 vụ chuyên ngành và liên ngành, phát hiện hơn 1.400 vụ vi phạm. Cục Quản lý thị trường thành phố đã xử lý theo thẩm quyền gần 1.200 vụ, thu nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng. Cùng với đó, chuyển cơ quan công an điều tra 4 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả và một vụ nhập lậu thuốc lá. Các mặt hàng về mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng có tỷ lệ vi phạm cao với lỗi: Không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 110 vụ, tạm giữ hơn 3 triệu khẩu trang các loại, 12.000 khẩu trang sản xuất thành phẩm không chứng từ và nhiều nguyên liệu, dụng cụ sản xuất khẩu trang không đúng quy định. Cục Quản lý thị trường thành phố đã xử lý hành chính 109 vụ với tổng số tiền phạt 1,4 tỷ đồng, chuyển cơ quan công an điều tra một vụ sản xuất khẩu trang giả.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) nhận định, khi công nghệ phát triển thì gian lận thương mại, hành vi làm giả cũng diễn biến phức tạp theo. Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu và khách hàng bằng những sản phẩm có dấu hiệu nhận diện mạnh, công nghệ chống giả tốt. Vina CHG đã cung cấp công nghệ chống giả 5S giúp kiểm tra dễ dàng, tăng cường khả năng bảo mật, chống sao chép, làm giả tem. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ hơn các đơn vị, địa điểm kinh doanh trực tuyến để tránh gian lận qua thương mại điện tử.
Để đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, nhất là các nhóm hàng bình ổn thị trường, mặt hàng y tế phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố đã yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, lan tỏa gương người tốt-việc tốt để mọi người cùng chung tay với các lực lượng chức năng. Các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm. Bên cạnh đó, phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần bảo đảm chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng sử dụng kho hàng hóa hợp pháp để chứa hàng lậu, hàng gian, hàng giả.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho hay: Ngành quản lý thị trường sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiểm tra, chấn chỉnh, đấu tranh hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là từ nay đến cuối năm-thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thường diễn ra nhiều và phức tạp.
KHÁNH GIANG