Từ chủ trương này, nhiều khu vực nông thôn ở các huyện ngoại thành đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân và góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Đến các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn... ấn tượng mạnh mẽ đối với chúng tôi là những trang trại rau sạch, vườn hoa lan rực rỡ sắc màu, những đầm tôm rộng mênh mông và không ít trại chăn nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận lớn cho người dân. Điển hình như: Vườn hoa lan Mokara của gia đình ông Sơn Sa Ranh, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè); mô hình trồng rau thủy canh của anh Trần Phúc Hậu, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi); vườn lan ngọc điểm của gia đình ông Phạm Thế Bé, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn); trang trại rau sạch của ông Nguyễn Văn Trải, xã Nhuận Đức (Củ Chi)... Nói về vườn lan tiền tỷ của gia đình, ông Sơn Sa Ranh bộc bạch: “Mình có đất, lại được chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, cho vay vốn thì tại sao không tìm cách nuôi trồng để phát triển kinh tế? Suy nghĩ ấy đã thôi thúc gia đình tôi quyết tâm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.
    |
 |
Trưng bày sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. |
Đây cũng là cách nghĩ, cách làm của nhiều nông dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Chủ trương phát triển nông thôn của Thành ủy nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, hướng đến mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và diện mạo vùng ven; chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành NNCNC, công nghệ sinh học. Các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ở vùng ven xuất hiện ngày càng nhiều và đều ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Theo ông Dương Đức Trọng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh: Ở các xã đã hình thành nhiều mô hình kinh tế phù hợp với chất đất, khí hậu và khả năng thực tế của người dân. Thành phố cũng đã có Khu NNCNC, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động bước đầu có hiệu quả... Ngành nông nghiệp thành phố sẽ nghiên cứu và đưa các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Để phát triển NNCNC, một vấn đề không kém phần quan trọng là chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Việc hướng dẫn chuyển giao này phải được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả để nông dân có kiến thức cơ bản trong nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản; đồng thời, chính quyền, cơ quan chức năng cần có biện pháp thiết thực hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm làm ra; liên kết sản xuất với phân phối, tiêu dùng, không để ùn ứ nông sản. Ông Nguyễn Văn Trải, chủ trang trại rau sạch tại ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi), tâm sự: Sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ có vai trò quan trọng giúp nông dân tự tin làm nông sản sạch, chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã... trong sản xuất, chăn nuôi và mở rộng các loại hình dịch vụ gắn với nông nghiệp ở nông thôn góp phần không nhỏ nâng cao đời sống, sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế vùng ven bền vững.
Bài và ảnh: YẾN LONG