Do tác động của hoàn lưu bão số 7, những ngày qua, triều cường dâng cao, tuyến đê bao sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh bị tràn, vỡ cục bộ. Ban CHQS quận Bình Thạnh đã huy động 120 cán bộ, chiến sĩ kịp thời gia cố đê, triển khai rào chắn, cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ông Vũ Minh Giang, Chủ tịch UBND phường 28, cho biết: "Nhờ chủ động các phương án, kịch bản ứng phó nên khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ LLVT đã có mặt kịp thời cứu đê, không để nước tràn vào khu dân cư".

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ LLVT quận Bình Thạnh gia cố đê bao ngăn triều cường.

Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra sự cố thiên tai. Thời gian qua, LLVT huyện đã huy động hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả triều cường, lốc xoáy.

Những ngày qua, tác động của bão số 7 và dự báo triều cường đạt đỉnh vào cuối tháng 10-2020, Ban CHQS huyện Củ Chi luôn tổ chức lực lượng trực, tuần tra tại các điểm xung yếu ven sông Sài Gòn ở xã Bình Mỹ và Trung An. Thượng tá Huỳnh Việt Tâm, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Củ Chi cho biết, qua nắm thực tiễn địa bàn, đơn vị đã kịp thời bổ sung phương án, kế hoạch; sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, ca nô, cừ tràm, lưới sắt, bao tải đất, cát... bảo đảm xử lý tốt các tình huống.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 25 vụ giông, lốc xoáy, triều cường, sạt lở đê bao, bờ sông, kênh, rạch với diện tích gần 2.400m2. LLVT thành phố đã huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện, trang bị, kịp thời di dời các hộ dân đến nơi an toàn, sửa chữa 22 ngôi nhà bị hư hỏng, góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Dự báo những tháng cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh tiếp tục bị ảnh hưởng của các cơn bão, triều cường. Khảo sát thực tiễn và kinh nghiệm các năm trước, ngành chức năng đã dự kiến 24 khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn khi mưa bão, triều cường xảy ra.

leftcenterrightdel
Quân và dân quận Thủ Đức sử dụng bao cát ngăn triều cường. 

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, UBND thành phố đã điều chỉnh, triển khai phương án “Chủ động phòng chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố”. Trong đó, các sở, ngành, địa phương phải quán triệt, triển khai nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả).

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công trình thủy lợi, tiêu thoát nước trọng điểm, công trình ngầm, chủ động xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, cống ngăn triều, bờ bao; nạo vét kênh, mương, cống tiêu thoát nước. Ngành chức năng tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống bờ, đê bao, kịp thời phát hiện vị trí xung yếu mới, có biện pháp gia cố, nâng cấp. Thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao năng lực chỉ huy, tổ chức huy động lực lượng, hiệp đồng trong trưng dụng các phương tiện, trang bị của doanh nghiệp, nhân dân tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. UBND TP phối hợp với tỉnh Tây Ninh điều tiết, vận hành tích, xả nước tại hồ Dấu Tiếng bảo đảm an toàn, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho khu vực hạ du. Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành chủ động kiểm tra, có phương án bảo đảm xử lý an toàn, không để phát tán nguồn ô nhiễm, chất độc hại ra môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn điện, công trình xây dựng khi xảy ra ngập lụt. Thành phố tăng cường cập nhật hoàn thiện bản đồ cảnh báo vị trí xung yếu, địa điểm an toàn bảo đảm di dời dân khi xảy ra thiên tai và xác định rõ chi tiết thời điểm, khu vực, phạm vi, quy mô ảnh hưởng gây ngập để các địa phương sẵn sàng địa điểm di dời dân khi có tình huống. Thành phố nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo trước ít nhất 5 ngày đối với triều cường. Những tuyến đường dự báo ngập sâu, cơ quan chức năng tiến hành đặt biển cảnh báo, rào chắn, đèn tín hiệu, chiếu sáng... Công an thành phố có kế hoạch tăng cường lực lượng, phương tiện để điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân tại các khu vực trọng điểm, ngập sâu. 

Đại tá Lê Xuân Thế, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết: LLVT thành phố đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ năng xử trí tình huống, kỹ năng sử dụng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, công tác bảo đảm an toàn trong cứu nạn, cứu hộ... Bộ tư lệnh thành phố đã triển khai kế hoạch bảo đảm lực lượng, phương tiện tổ chức sơ tán, di dời dân và tài sản của nhân dân theo các tình huống, nhất là tại khu vực dự kiến sẽ bị ngập sâu, bị chia cắt... 

Bài và ảnh: DUY HIỂN