Chủ động sớm, lượng hàng tăng
Là nhà bán lẻ hàng đầu của thành phố và cả nước, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, do tình hình dịch bệnh kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa nên Saigon Co.op chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Saigon Co.op cũng chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển, phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh cho từng địa phương, khu vực, nhằm bảo đảm hàng thiết yếu với giá tốt cho người tiêu dùng dịp Tết.
    |
 |
Sản xuất hàng hóa chuẩn bị phục vụ dịp cao điểm Tết 2021 tại Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. |
Hiện nay, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết, tăng gấp 2 đến 3 lần so với tháng thường. Hệ thống bán lẻ như: Aeon Mall, BigC... dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5%-49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ Tết. Các DN chủ lực của thành phố như: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Cổ phần Ba Huân, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn, Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt... cũng đang tất bật, khẩn trương chuẩn bị nguồn hàng cho thời gian cao điểm Tết 2021. Với đặc thù là trung tâm tiếp nhận, phân phối hàng hóa từ các địa phương, 3 chợ đầu mối gồm: Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền của thành phố đang cung ứng khoảng 60%-70% lượng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc tiêu thụ tại thành phố mỗi ngày. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng qua 3 chợ sẽ tăng khoảng 80%.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố, công tác chuẩn bị hàng Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm, du lịch và thương mại giảm mạnh, chuỗi cung ứng và các liên kết sản xuất gián đoạn. Tuy nhiên, nhằm chuẩn bị nguồn hàng cho thời gian cuối năm 2020 và cao điểm Tết, Sở Công Thương thành phố đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các DN chuẩn bị, dự trữ, cung ứng hàng hóa đạt gần 19.700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nguồn cung hàng bình ổn thị trường đạt hơn 7.100 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị năm nay tăng từ 4,4% - 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12% - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.
Kiểm soát chặt chẽ, giữ ổn định thị trường
Hàng hóa cung ứng thị trường thành phố cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021 chủ yếu ở 3 nguồn chính, gồm: Các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường, chợ đầu mối và các DN khác. Hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố có gần 240 chợ, gần 240 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, hơn 2.700 cửa hàng bán lẻ, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết. Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh kênh bán hàng lưu động, với kế hoạch bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng đến các khu chế xuất, khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên, khu vực xa trung tâm thành phố.
Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thạnh cho biết: “UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan triển khai các nội dung nhằm kiểm soát tình hình thị trường trong dịp Tết như thông tin các kế hoạch bảo đảm các mặt hàng thiết yếu của thành phố, tuyên truyền người dân không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng không có nguồn gốc. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về giá cả tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích”.
Để bổ sung nguồn hàng Tết, trước đó, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 và Hội nghị Kết nối cung-cầu giữa thành phố với các tỉnh, thành phố năm 2020. Thành phố đang triển khai thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như kiểm tra chặt chẽ tiến độ tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn thị trường cho dịp Tết, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá, kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm... Thành phố cũng tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng Tết, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cũng theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, ngành công thương thành phố đã kết nối với nhiều địa phương để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và có phương án kết nối, nhất là những đơn vị nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thành phố. Ngoài ra, sở đã làm việc với DN bình ổn thị trường và các DN cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng Tết.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG