Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi

Ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), ông Sơn Sa Ranh, 77 tuổi, người dân tộc Khmer, là nông dân sản xuất giỏi với mô hình trồng lan mokara, lan rừng và nấm linh chi. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, đến nay gia đình ông đã có hơn 3.000m2 đất trồng hoa lan, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Ông cũng hỗ trợ vốn cho 8 gia đình và giải quyết việc làm cho 21 lao động. Ông Sơn Sa Ranh chia sẻ: "Năm 2003, tôi dốc sức đầu tư trồng vườn lan dendro nhưng không hiệu quả nên chuyển sang trồng lan mokara. Thời điểm này, thành phố bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới. Gia đình tôi thuộc diện đồng bào DTTS nên được quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cùng 50% kinh phí giống cây, vườn giàn, hệ thống phun nước. Nhờ đó, tôi đã phát triển vườn lan lên 2.000 gốc, rồi tiếp tục mở rộng diện tích, tăng thêm chủng loại và trở thành nông dân sản xuất giỏi. Mấy năm nay, tôi bán giống lan với giá rẻ hơn thị trường cho bà con có nhu cầu trồng lan. Với những người chưa có tiền, tôi bán chịu hoặc bán trả chậm để họ có động lực vươn lên, ổn định cuộc sống".

leftcenterrightdel
Mô hình kinh tế giỏi của gia đình ông Sơn Sa Ranh (huyện Nhà Bè).

Là người sáng lập Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), ông Kao Siêu Lực, người dân tộc Hoa (quận 11), được tôn vinh là “vua bánh mì”. Năm 1989, ông khởi nghiệp với việc mở tiệm bánh làm bằng phương pháp thủ công do chính các thành viên trong gia đình quản lý. Nhờ nghị lực, tài kinh doanh và sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển kinh tế trong đồng bào DTTS TP Hồ Chí Minh, thương hiệu kinh doanh Kao Siêu Lực nổi lên nhanh chóng. Hiện tại, ABC Bakery có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ và 30 chi nhánh trong nước, 5 chi nhánh tại nước ngoài… Ông Kao Siêu Lực luôn tâm đắc với môi trường kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh và có đóng góp lớn cho cộng đồng người Hoa và thành phố thông qua các hoạt động công ích, thiện nguyện vì sự phát triển cộng đồng…

Còn khá nhiều mô hình kinh doanh giỏi là người DTTS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, như: Ông Kim Sô, dân tộc Chăm (quận 8) làm giàu từ kinh doanh nông sản; anh Hồng Huy Cường, dân tộc Hoa (huyện Hóc Môn) với mô hình trồng hoa mai 10 cánh; họa sĩ Trương Hán Minh, dân tộc Hoa (quận 5) nổi tiếng với sản phẩm tranh thủy mặc… Phó trưởng Ban Dân tộc TP Hồ Chí Minh Tăng Cẩm Vinh, cho biết: "Toàn thành phố có 16.896 doanh nghiệp người DTTS đang sản xuất, kinh doanh, cùng nhiều mô hình kinh tế gia đình hiệu quả, đóng góp tích cực cho kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm cho hơn 20% lao động thành phố, đặc biệt là việc chung tay chăm lo cho cộng đồng để cùng tiến bộ".

Thiết thực chăm lo, có cơ chế, chính sách phù hợp

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã thực hiện việc lồng ghép chính sách dân tộc trong quá trình triển khai chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; tập trung công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời cống cho đồng bào DTTS; có cơ chế, chính sách để phát huy khả năng, nguồn lực của mọi thành viên trong cộng đồng. Theo ông Trần Hữu Phước, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, đa số đồng bào DTTS nắm bắt nhanh thời cơ hội nhập, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và tay nghề được đào tạo để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các quận, huyện chủ động triển khai chính sách hỗ trợ thông qua tăng mức cho vay vốn, tăng thời hạn vay tối đa; hỗ trợ phương tiện sinh kế; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng… Đối với các doanh nghiệp và điển hình sản xuất giỏi, thành phố tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô; khuyến khích các chủ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất giỏi tham gia giúp đỡ cộng đồng DTTS, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Tính đến cuối tháng 11-2019, thành phố chỉ còn 1.323 hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,7% tổng hộ dân toàn thành.

Quán triệt sâu sắc chính sách dân tộc, chăm lo thiết thực đồng bào DTTS, TP Hồ Chí Minh luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực, chủ động đề xuất những chính sách phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đồng bào dân tộc; bảo đảm cho đồng bào các DTTS trên địa bàn được hưởng mọi quyền với ưu đãi thỏa đáng theo pháp luật. Tại Đại hội đại biểu các DTTS TP Hồ Chí Minh lần thứ 3, năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương cần chọn những nội dung cụ thể có tính đột phá, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của mình để triển khai hiệu quả công tác dân tộc; rà soát, bổ sung hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu, đề xuất ban hành những chính sách mới phù hợp với thực tiễn, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Đồng bào các dân tộc TP Hồ Chí Minh bình đẳng, đoàn kết, phát huy nội lực cùng nhau xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH