Cùng với đó là tình trạng chặt phá rừng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng Cần Giờ luôn được chính quyền các cấp quan tâm, huy động đông đảo lực lượng, triển khai nhiều biện pháp hiệu quả.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Ngoài lực lượng thường xuyên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, UBND huyện còn chỉ đạo lực lượng công an, quân sự phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ địa phương và Bộ đội Biên phòng thành phố đóng quân trên địa bàn thường xuyên tuần tra, canh gác, ngăn chặn tình trạng phá rừng, tận diệt thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của rừng ngập mặn”.
Với diện tích quản lý hơn 31.700ha rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ chia thành 6 phân khu, giao khoán cho 141 hộ trông coi, bảo vệ rừng, mỗi hộ ít nhất là 40ha, nhiều nhất là hơn 240ha. Trước khi giao khoán, các hộ dân phải cam kết thực hiện nghiêm những điều khoản ràng buộc, không xâm phạm cây rừng, đất rừng. Trường hợp vắng mặt tại chốt canh để cây rừng bị xâm hại sẽ chịu trách nhiệm bồi thường… Ông Cát Văn Thành, Phó trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho rằng: “Việc chia thành phân khu và giao khoán cho từng tổ, mỗi tổ từ 3 đến 4 hộ có diện tích rừng nhận khoán liền kề là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, quản lý rừng. Điều này không chỉ thuận lợi trong công tác quản lý nhân sự, giảm bớt khâu trung gian mà còn thuận tiện cho các hộ dân hỗ trợ nhau khi cần thiết, hạn chế rủi ro trong quá trình đi tuần tra; đồng thời còn là biện pháp để các hộ kiểm tra chéo và nhắc nhở nhau đề cao trách nhiệm bảo vệ rừng”.
Công tác phối hợp bảo vệ rừng cũng được duy trì đều đặn, nghiêm túc; trong đó có sự tham gia của 15 đơn vị LLVT, thanh niên xung phong đứng chân trên địa bàn huyện Cần Giờ; hằng tháng tổ chức giao ban các lực lượng để nắm tình hình an ninh trật tự, các hoạt động xây dựng, sản xuất dưới tán rừng, nhất là địa bàn giáp ranh. Lực lượng của Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh) cũng liên tục cắm chốt 24/24 giờ và cử các kíp tàu luân phiên làm nhiệm vụ tuần tra quanh rừng cũng như ở những nơi xung yếu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác cát trái phép…
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ rừng, việc phát triển rừng cũng được tiến hành thường xuyên. Với phương châm “một cây già, ba cây non”, việc trồng dặm, trồng xen được thực hiện theo chỉ đạo của Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố và kế hoạch chung của huyện. Tuy nhiên, theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Văn Tính, vấn đề không kém phần quan trọng là phải tuyên truyền cho người dân nắm luật, hiểu luật, không chặt phá rừng ngập mặn, không đào bắt địa sâm gây sạt lở làm mất cây, mất rừng để giữ gìn “lá phổi xanh” của thành phố.
Bài và ảnh: HOÀNG XUÂN