Quận Tân Phú là địa bàn có nhiều công nhân, lao động nghèo. Tác động của đại dịch Covid-19 làm nhiều người không có việc làm, cuộc sống gia đình thêm khó khăn. Kịp thời hỗ trợ người dân, Ban CHQS quận Tân Phú đã phối hợp với các ban, ngành triển khai ngay mô hình “ATM gạo” tại đường Đỗ Thừa Tự, phường Tân Quý. Theo đó, người dân nghèo được nhận 1,5kg gạo/ngày. Do tích cực tuyên truyền, vận động, chỉ trong ít ngày, cây “ATM gạo” đã tiếp nhận gần 30 tấn gạo của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cấp phát hỗ trợ người nghèo. Số lượng gạo đang tăng lên mỗi ngày.
    |
 |
Cán bộ Ban CHQS quận Tân Phú tặng gạo cho người khuyết tật. |
Chị Võ Thị Lài, ngụ tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, xúc động nói: "Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tôi phải tạm ngưng công việc bán vé số dạo. Chồng tôi đi làm thuê, cũng không có việc. Gia đình 4 miệng ăn, bữa no, bữa đói. Nay được nhận gạo từ thiện, chúng tôi vô cùng biết ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm".
Mặc dù không dư giả gì nhưng với tinh thần "tương thân tương ái", gia đình chị Nguyễn Thị Kiều, ngụ tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, đã tiết kiệm để hỗ trợ mô hình “ATM gạo". Chị chia sẻ: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhiều bà con mình còn khó khăn nên mỗi bữa ăn, gia đình tôi cũng chủ động tiết kiệm để dành một chút chia sẻ với mọi người".
    |
 |
Người dân nghèo nhận gạo miễn phí tại cây “ATM gạo” quận Tân Phú. |
Tại phường Thạnh Lộc, quận 12, Quận đoàn 12 đã phối hợp với các ban, ngành triển khai mô hình “ATM gạo”. Chỉ trong 5 ngày đầu triển khai, "ATM gạo" đã tiếp nhận hơn 3 tấn gạo, hỗ trợ cho hàng trăm người lao động nghèo. Tại TP Thủ Đức, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức phối hợp với các ban, ngành thực hiện mô hình “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức”, “Đi chợ giúp người dân mùa Covid-19”. Theo đó, mỗi tuần, mỗi hộ thuộc đối tượng chăm lo sẽ được ban tổ chức chuyển đến tận nhà các suất quà, gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm (trị giá mỗi suất 300.000-500.000 đồng). Mô hình vừa kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, vừa hạn chế việc người dân ra đường, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cũng triển khai hiệu quả các mô hình như: “Bữa cơm nghĩa tình”, “Nghĩa tình yêu thương”, “Mì gói 0 đồng”, “Bó rau nghĩa tình”... kịp thời huy động được hơn 153.000kg rau xanh và hàng nghìn suất quà, gần 150.000 khẩu trang... tặng hội viên khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời tổ chức vận động các chủ nhà trọ giảm từ 10 đến 100% tiền thuê nhà cho người lao động nghèo.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, thực hiện phương châm “Lấy sức dân chăm lo cho dân”, thành phố đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, qua đó xây dựng tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch. Các mô hình vừa góp phần thực hiện tốt giãn cách xã hội, vừa kịp thời hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa, cách ly, lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bài và ảnh: DUY TIẾN