Quách Thị Trang quê gốc ở Thái Bình, theo mẹ vào Sài Gòn từ khi mới 6 tuổi. Cuộc sống nghèo khó nhưng người mẹ tảo tần vẫn nuôi 6 anh em Trang ăn học giữa chốn đô thành. Sống cùng lớp người nghèo khổ, lam lũ, theo đạo Phật nên Trang rất ngoan ngoãn, lương thiện, hiếu thuận và thương người. Đúng dịp Phật Đản năm 1963, Tổng giám mục Ngô Đình Thục đi thăm nhà thờ La Vang (tỉnh Quảng Trị), thấy khắp nơi treo cờ Phật giáo nên khó chịu, liền báo cáo Ngô Đình Diệm. Ngay sau đó, lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong và ngoài khuôn viên sân chùa được phát ra, gây nên làn sóng phẫn nộ trong giới tăng ni Phật tử cả nước. Nhiều cuộc biểu tình của giới tăng ni và học sinh, sinh viên diễn ra quyết liệt nhằm phản đối quy định vô lý của chế độ gia đình trị. Quách Thị Trang cùng các bạn tích cực tham gia những cuộc đấu tranh ấy. Sáng 25-8-1963, cô đã dấu mẹ tham gia cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh ngay trước chợ Bến Thành, cùng đoàn người đồng thanh hô vang những câu khẩu hiệu yêu cầu chính quyền thả các tăng ni Phật tử và không được đàn áp tôn giáo. Cảnh sát ngụy dàn quân, dùng loa yêu cầu đoàn biểu tình giải tán. Bất chấp những lời kêu gọi, tốp nữ sinh đi đầu trong đó có Quách Thị Trang, vẫn hiên ngang xông tới, hô vang khẩu hiệu đòi bình đẳng tôn giáo. Bọn cảnh sát nổ súng vào tốp nữ sinh, một dòng máu đỏ loang áo trắng, Quách Thị Trang ngã xuống trong tư thế tiến lên phía trước.
Tượng bán thân nữ liệt sĩ Quách Thị Trang được đặt tại Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1).
Sự hy sinh của cô nữ sinh 15 đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong giới trẻ và đồng bào Sài Gòn. Phật giáo thế giới và nhiều tổ chức hòa bình lên tiếng phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Đúng 1 năm sau cuộc biểu tình, để tưởng nhớ người nữ sinh quả cảm, xả thân vì công lý, chính nghĩa, giới sinh viên, học sinh Sài Gòn đã dựng tượng bán thân Quách Thị Trang ngay tại nơi cô ngã xuống, giữa công trường Diên Hồng (nay là bùng binh Quách Thị Trang, phía trước chợ Bến Thành). Vào những ngày lễ, Tết, dịp Phật Đản… tuổi trẻ thành phố lại hướng về nơi đặt tượng bán thân Quách Thị Trang để tưởng nhớ người nữ sinh tiêu biểu, hun đúc truyền thống và ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng.
Hiện tại, tượng bán thân liệt sĩ Quách Thị Trang tạm thời được di dời tới Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) trong thời gian xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt và quy hoạch chi tiết khu vực vòng xoay Quách Thị Trang, tượng bán thân Quách Thị Trang sẽ được chuyển về đặt tại vị trí cũ để người dân và du khách chiêm bái. Người liệt nữ đã đi vào lịch sử như một vì sao tỏa sáng khí phách của tuổi trẻ Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
Bài và ảnh: YẾN LONG