Chưa tháng nào SKCL của Nhà VHTN “tắt đèn”. Bởi thế, cứ vào những ngày có chương trình, dù 14 giờ mới mở màn nhưng nhiều khán giả đã chờ sẵn từ trưa.
Đạo diễn Thành Bỉ (Phòng Văn hóa-Nghệ thuật, Nhà VHTN), người xây dựng chương trình nhiều năm qua, tâm sự: “Từ những lời góp ý rằng đến với Nhà VHTN chỉ có nhạc pop- rock - rap - hip hop..., thiếu đi cái êm đềm, sâu lắng của câu hò điệu lý, cái da diết của bản vọng cổ, cải lương,... từ năm 1998, chúng tôi thực hiện chương trình SKCL nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của những khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật là “đặc sản Nam Bộ” này. Thời kỳ đầu, không ít nghệ sĩ tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công của chương trình sân khấu truyền thống tại một trung tâm văn hóa vốn thuộc về nhạc trẻ như Nhà VHTN nên đã từ chối khéo khi được mời cộng tác”.
Vở cải lương “Trần Thủ Độ” trong chương trình sân khấu cải lương của Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của ê-kíp thực hiện, sự ủng hộ hết lòng của lãnh đạo Nhà VHTN, những khó khăn buổi đầu cũng qua đi. Từ một khán phòng nhỏ quy mô 200 ghế và chỉ có vài chục khách, sau một thời gian, chương trình SKCL đã được chuyển sang hội trường chính Nhà VHTN với gần 1.000 chỗ ngồi. Sau 6 năm hoạt động, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) đã liên hệ với Nhà VHTN để ghi hình các chương trình SKCL và phát sóng trên đài. Sau đó, nhiều đài truyền hình khác cũng lần lượt tham gia ghi hình phát lại các chương trình, như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hậu Giang, SCTV13…
Điều đáng trân trọng ở chương trình SKCL là bên cạnh việc mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, Nhà VHTN còn xây dựng nơi đây như một điểm đến của nhiều nghệ sĩ cải lương trẻ đang thiếu hụt “đất dụng võ”. Những trích đoạn cải lương kinh điển như: Bên cầu dệt lụa, Đêm lạnh chùa hoang, Tiếng trống Mê Linh, Hòn vọng phu, Tô Ánh Nguyệt… dù được thể hiện bởi những diễn viên trẻ, những nghệ sĩ chưa thành danh, tại một sân khấu còn hạn chế nhiều về điều kiện vật chất, nhưng khán giả vẫn đón nhận nồng nhiệt. Đi xem SKCL đâu phải chỉ có người lớn tuổi mà còn có rất nhiều học sinh, sinh viên, trí thức, bác sĩ, kỹ sư, kể cả người nước ngoài. Là một khán giả trẻ, bạn Chung Trần Quang (công tác tại Tạp chí Việt Nam Heritage) tâm đắc: “Xem các chương trình SKCL của Nhà VHTN không chỉ giúp tôi có những phút giây thưởng thức nghệ thuật đặc sắc mà còn có thêm kiến thức văn hóa dân tộc. Tôi thấy các nghệ sĩ dù ở lứa tuổi nào cũng diễn xuất với sự tâm huyết cao nhất chứ không phải diễn theo kiểu là một chương trình miễn phí”.
Đạo diễn Thành Bỉ chia sẻ thêm: “Kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và cổ truyền là phương châm SKCL Nhà VHTN hướng đến. Chương trình phải càng chắt lọc, chỉn chu hơn và tiếp tục thử sức với những vở cải lương hoàn chỉnh, quy mô lớn. Chúng tôi tự nhắc nhở mình phải luôn cố gắng, nghiêm túc, luôn nghĩ đến khán giả, luôn tự làm mới thì mới tồn tại lâu dài, bền vững”.
Bài và ảnh: TRẦN TUYẾT