Triển lãm mở cửa đến ngày 31-3-2020, gồm 5 khu vực chính: Giao liên trong vận tải; giao liên trong dẫn đường, đưa rước cán bộ, bộ đội; giao liên trong thông tin liên lạc; mạng lưới giao liên cơ sở và các hình thức nghi trang. Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày đã khắc họa rõ nét hoạt động của những nữ chiến sĩ giao liên trong kháng chiến. Qua đó có thể thấy, dù phải đối mặt với hàng trăm mối nguy hiểm, cực hình tàn khốc của quân thù nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn hiên ngang, quả cảm đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. 

leftcenterrightdel
Bà Đoàn Thị Nhỏ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng huyện Củ Chi bên ảnh chân dung của mình tại triển lãm.

Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thì chuyên đề triển lãm được chuẩn bị từ tháng 9-2018. Ngoài việc thu thập những tư liệu, thông tin, bảo tàng còn tổ chức đến gặp các nữ giao liên, những nhân chứng sống để tìm hiểu chuyên sâu về những câu chuyện qua các thời kỳ, giúp các thế hệ sau có một cái nhìn tổng quan nhất về hình ảnh nữ chiến sĩ giao liên.

Tham gia công tác giao liên từ năm 16 tuổi, từng bị giam cầm suốt 6 năm 1 tháng tại nhà tù Côn Đảo và bị kẻ thù tra tấn, đánh đập dã man nhưng nữ chiến sĩ giao liên Võ Thị Tâm vẫn anh dũng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Bên cạnh công việc giao liên, bà còn đảm nhiệm việc vận chuyển vũ khí, viết thư mật để phục vụ kháng chiến.

“Giao liên hồi đó khổ dữ lắm, phải luồn lách qua con mắt kẻ thù để truyền từng thư mật đến cấp trên, đồng đội của mình, bị đánh, uy hiếp nhưng chỉ nghĩ làm sao hoàn thành nhiệm vụ là vui rồi”-bà Tâm nói.

Trong dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng tiến hành trao giải Cuộc thi ảnh với chủ đề “Vòng đời” năm 2019. Qua 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 22 bộ ảnh (181 ảnh) và 379 ảnh đơn của 43 tác giả ở các tỉnh, thành phố trên mọi miền đất nước.

Bài và ảnh: KIM SÁNG