Thế nhưng, đa số tác phẩm vẫn là sách dịch, trong khi văn học Việt Nam đương đại dành cho thiếu nhi lại khá thiếu vắng.
Nhắc tới văn học thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, người ta nhớ ngay đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như một vị trí độc tôn. Năm nào ông cũng ra mắt tác phẩm mới và được bạn đọc nhí đón nhận nồng nhiệt. Phải thừa nhận, ở địa hạt này, không chỉ có Nguyễn Nhật Ánh mà còn có nhiều cây bút khác góp mặt, như: Võ Thu Hương, Lê Hữu Nam, Võ Diệu Thanh, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Trương Huỳnh Như Trân, Thu Trân... Họ cũng có một số tác phẩm khá hay, như: “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần), “Những đứa trẻ mắc dịch” (Trần Nhã Thụy), “Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây” (Trương Huỳnh Như Trân)... Tuy nhiên, chưa ai có sức làm việc bền bỉ và làm nên hiện tượng, đồng thời sống khỏe bằng nghề viết cho tuổi thơ như Nguyễn Nhật Ánh.
|
|
Các em học sinh tìm đọc sách văn học tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. Ảnh: AN PHƯƠNG. |
Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, nước ta chưa có đội ngũ thật sự gọi là chuyên nghiệp theo đúng nghĩa để sáng tác cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Bởi đa phần các nhà văn, tác giả viết cho lứa tuổi này vẫn xem văn học thiếu nhi như cuộc dạo chơi, thử sức. Mà đã là cuộc dạo chơi thì họ muốn viết thì viết, muốn dừng thì dừng. Các cây bút mới vẫn không ngừng xuất hiện, thử nghiệm cách sáng tạo mới nhưng ở cuộc đua đường dài, họ dần rơi rụng hoặc chuyển hướng viết cho người lớn. Lý do khiến nhiều nhà văn khó đi đường dài vì viết cho thiếu nhi rất nhọc nhằn, tốn không ít công sức nhưng mức nhuận bút lại bèo bọt. Không phải nhà văn nào hễ ra tác phẩm cũng có “diễm phúc” được truyền thông, tổ chức buổi ra mắt, giao lưu ký tặng rầm rộ như Nguyễn Nhật Ánh. Ngay trong sân chơi chuyên môn, văn học thiếu nhi cũng chịu nhiều sự thờ ơ. Nhà văn Mai Bửu Minh, tác giả của hơn 20 đầu sách dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, chua chát: “Các cuộc thi văn chương ít chú trọng đến mảng văn học thiếu nhi đã đành, ngay chính tổ chức nghề nghiệp của các nhà văn, như Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng xóa sổ Ban Văn học thiếu nhi khiến chúng tôi không khỏi xót xa, đau lòng”.
Đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi đã ít ỏi, số tác phẩm được đánh giá cao cũng khá hiếm. Ai cũng biết sách văn học không chỉ mang tính giáo dục, bổ sung tri thức mà còn giúp thiếu nhi hoàn thiện bản thân bằng lối suy nghĩ tích cực, những ứng xử đúng mực, nhân văn. Vấn đề khuyến đọc càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi các em đang bị các loại hình giải trí, nghe nhìn như truyện tranh, phim ảnh, game online... cuốn hút.
Nhà văn Võ Thu Hương cho rằng: “Viết cho thiếu nhi thì nhà văn cần gác lại cái tôi cá nhân, quan sát và lắng nghe thiếu nhi nhiều hơn để viết. Những câu chuyện phải gần gũi với cách nghĩ của độc giả. Nếu viết cho các em thế hệ 10X đọc mà vẫn khư khư giữ cách nghĩ, cách nhìn, cách viết dài dòng của thế hệ 8X đổ về trước thì tôi nghĩ sẽ khó hấp dẫn được các em”. PGS, TS Hoàng Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt thừa nhận: Rất nhiều thiếu nhi khi được hỏi đã cho biết phần lớn sách văn học mình đọc đều là sách dịch. Lý do là truyện dịch am hiểu tâm lý lứa tuổi, có nội dung phong phú, đậm kịch tính và bay bổng trí tưởng tượng, đặc biệt là dòng văn học kỳ ảo, viễn tưởng. Trong khi đó, các tác phẩm của nhà văn Việt Nam vẫn theo lối cổ, tức kể chuyện thời ấu thơ hoặc đồng thoại khá giống tác phẩm của các thế hệ tiền bối. Nội dung câu chuyện thì đều đều, rập khuôn. Thể loại văn học kỳ ảo lại không được nhiều nhà văn khai phá.
Nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng) cho rằng, môi trường sống hiện đại cộng với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã tạo cho tuổi thơ sự tự tin, khả năng phát triển tinh thần khá mạnh, sự khát khao hiểu biết, ham học hỏi... Nếu như giai đoạn trước các em không có nhiều cơ hội để chọn lựa món ăn tinh thần thì giờ đây các em dễ dàng tìm đến các sản phẩm văn hóa mình yêu thích. Việc ra đời Đường Sách, các đội nhóm khuyến đọc và tăng cường không gian đọc sách đang thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc trong thiếu nhi. Với tiền đề đó, để văn học thiếu nhi phát triển một cách đầy đủ, đúng hướng, thành phố cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa với chế độ khuyến khích, bảo trợ cho những người viết, đặc biệt là ưu đãi về chế độ nhuận bút, chủ động chào sách với những gói hỗ trợ, ưu đãi nhất định. Cần có cách thức đầu tư theo chiều sâu cho từng tác giả, từng nhóm đề tài để có tác phẩm hay. Các đơn vị làm sách cần “lạ hóa” sách văn học không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức in ấn, minh họa... Song song đó, những giải thưởng văn học của thành phố cần bổ sung hạng mục văn học thiếu nhi để thúc đẩy, khuyến khích các nhà văn.
HẠNH TRANG