Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, công trình Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng từ tháng 10-1865 với tên tiếng Pháp đầu tiên là “Mât des signaux”. Ban đầu, công trình có nhiệm vụ làm cột tín hiệu cho tàu thuyền ra vào luồng lạch khu vực sông Sài Gòn-Gia Định (góc ngã ba sông Sài Gòn và kênh Tàu Hũ-Bến Nghé ngày nay). Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cột cờ và khu vực cảnh quan có nhiều thay đổi về hình thái: Có thêm sàn đứng kéo cờ, căng dây cáp, thang dây... Đến năm 1920, Cột cờ Thủ Ngữ có thêm công trình hình bát giác một tầng mái dốc được xây dựng dưới chân cột cờ. Từ những năm 1940 trở về sau, công trình được xây dựng lại với hình thức kiến trúc có sự thay đổi. Trong lịch sử còn ghi lại, khi diễn ra Nam Bộ kháng chiến (tháng 9-1945), ngay dưới chân Cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội tự vệ chiến đấu của dân quân Sài Gòn-Gia Định đã kiên cường chống trả một đại đội quân địch và anh dũng hy sinh dưới chân cột cờ.

Từ sau ngày thống nhất đất nước đến đầu năm 2000, công trình tiếp tục được cải tạo có thêm các chức năng công cộng như một địa điểm phục vụ du lịch. Từ năm 2011 đến nay, công trình được tu bổ, sử dụng làm nhà truyền thống trưng bày ảnh về vùng đất Sài Gòn xưa. Tháng 5-2016, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho công trình Cột cờ Thủ Ngữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do một số hạng mục bị xuống cấp nên công trình hiện ngừng hoạt động.

leftcenterrightdel
Cột cờ Thủ Ngữ tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố: Đây là công trình có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc. Cột cờ Thủ Ngữ đang giữ được kiến trúc độc đáo và gần như nguyên bản. Kiến trúc của cột cờ cũng đại diện cho một hình thức kiến trúc cột tín hiệu đặc trưng trong lịch sử. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các cơ quan chức năng sẽ phục hồi công trình theo hướng giữ nguyên hình thức kiến trúc cột cờ và thực hiện một số thay đổi cần thiết về cấu trúc và kiến trúc công trình dưới chân cột cờ. Các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp khẩn trương triển khai phương án thiết kế trùng tu chi tiết Cột cờ Thủ Ngữ và cải tạo công viên thuộc khu vực bảo vệ của di tích. Đồng thời, sẽ lấy ý kiến của Hội Khoa học lịch sử thành phố, Hội Kiến trúc sư thành phố... trong quá trình thiết kế chi tiết phương án trùng tu nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Sau khi hoàn chỉnh phương án thiết kế chi tiết, các đơn vị báo cáo đề xuất trình UBND thành phố về kế hoạch thực hiện.

Với lịch sử 155 năm tuổi cùng với di tích Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh), bến Bạch Đằng, cầu Móng, tòa nhà Ngân hàng Nhà nước... Cột cờ Thủ Ngữ là hạng mục quan trọng tạo nên quần thể lịch sử, văn hóa đặc trưng và cũng là một “chứng nhân” cho quá trình phát triển của TP Hồ Chí Minh. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc cải tạo công trình Cột cờ Thủ Ngữ cũng cần được thực hiện cùng với cải tạo công viên tại cột cờ nhằm phát huy giá trị cảnh quan, kết nối với công viên bến Bạch Đằng để thu hút người dân và khách du lịch. Một số chuyên gia du lịch cũng đề xuất, nên phục dựng theo dạng “diễn lại” chức năng kéo cờ hiệu kết hợp với tàu du lịch ra vào để tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: TRẦN BẢO