Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP Thành phố cho biết, điểm khác biệt của mô hình quản lý khi Ban Quản lý ATTP được thành lập là tạo ra sự thống nhất một đầu mối, thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý ATTP mà trước đây được phân cấp ở ba đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Sở Công Thương. Từ đó, tạo nên sự thuận lợi, nhất quán từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, chất lượng thực phẩm. 

Tính đến ngày 28-2-2018, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra ATTP đối với 967 cơ sở, phát hiện 174 cơ sở vi phạm (chiếm 18%), xử phạt với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Năm 2017, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc có quy mô hơn 30 người. Hai tháng đầu năm 2018 đã không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

leftcenterrightdel
Người tiêu dùng mua thức ăn chế biến sẵn tại hệ thống siêu thị Co.opmart.

Song song với chống thực phẩm bẩn, đơn vị cũng chú trọng xây dựng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, giúp kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc. Đến nay, ban đã cấp 174 giấy chứng nhận cho 79 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thực phẩm an toàn thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng… với tổng sản lượng hơn 91.000 tấn/năm. Ban còn xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích về công tác phối hợp kiểm soát chất lượng ATTP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý ATTP của thành phố vẫn gặp những khó khăn, thách thức. Đó là bất cập trong xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống, quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn còn phức tạp, công tác kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm chưa có quy định phù hợp... Chẳng hạn, vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần cho thấy yêu cầu phải kiểm soát nguồn thuốc, không để thương lái mua tự do. Trong khi đó, Ban Quản lý ATTP chỉ là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, vì vậy Ban Quản lý ATTP kiến nghị áp dụng mô hình thanh tra Nhà nước, có quyền xử phạt tại chỗ.

Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Thành phố, những hoạt động của Ban Quản lý ATTP đã tạo sự đồng thuận của các sở, ngành và xã hội. Công tác bảo đảm ATTP luôn phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, từ người tiêu dùng, sản xuất, chăn nuôi đến lực lượng quản lý Nhà nước nên cần có sự chung sức, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết công tác quản lý Nhà nước phải làm tốt. Ban Quản lý ATTP Thành phố phải phát huy năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, cần kiên quyết trong xử lý các vụ vi phạm về ATTP. Song song đó là thực hiện theo chiều sâu các kế hoạch về xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn và đẩy mạnh truyền thông, xây dựng ý thức chung vì sức khỏe cộng đồng.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG